Multimedia Đọc Báo in

Trợ giúp nạn nhận chất độc da cam là trách nhiệm của toàn xã hội

08:33, 11/08/2024

Hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại to lớn và lâu dài, đặc biệt là đối với sức khỏe con người. Chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ là hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc.

Nhân kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2024) và Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh NGÔ SONG HÀO chung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, ông cho biết ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin cũng như đời sống của nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin. Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến. Đặc biệt, chất độc da cam di truyền xuyên thế hệ. Do đó, cuộc chiến tranh hóa học đã gây ra thảm họa khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam. Có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và trên 3 triệu người là nạn nhân.

Tại Đắk Lắk, những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất của chất độc da cam gồm khu vực ven các con suối, núi, đèo thuộc các xã: Đắk Phơi, Đắk Liêng, Bông Krang (huyện Lắk); Cư Pui, Hòa Lễ, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông); Ea Trang (huyện M’Drắk); Vụ Bổn (huyện Krông Pắc); Ea Sol, Ea Hiao (huyện Ea H’leo); Ea Tam, Cư Klông, Dliê Ya (huyện Krông Năng).

Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.500 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Cuộc sống của những gia đình có nạn nhân chất độc da cam rất khó khăn. Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống. Hàng trăm trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đắk Lắk Ngô Song Hào (giữa) thăm, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Krông Búk. 

*Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Vậy thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện chỉ thị này như thế nào, nhất là việc kết nối nguồn lực trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam?

Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 2089, ngày 28/5/2015 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. UBND tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng ban hành các công văn, kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động, kết nối nguồn lực chung tay chăm sóc, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-UBND, ngày 17/2/2022 về khắc phục chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu cụ thể là hoàn thành xử lý triệt để các "điểm nóng" và các khu vực ô nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã chỉ đạo thành lập 14/15 tổ chức hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp huyện, 55 tổ chức hội cấp xã, với trên 2.800 hội viên, trong đó có 157 hội viên danh dự.

Khắc phục hậu quả của chất độc hóa học là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng chưa thật sự nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Mặc dù hằng năm, UBND tỉnh đều có thư kêu gọi nhưng hiệu quả đạt thấp. Năm 2023, toàn tỉnh vận động được trên 3 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2024 vận động được gần 1,9 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động trợ cấp, thăm hỏi, tặng quà, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân và các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

* Trong Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh sẽ triển khai những hoạt động gì nhằm trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam, thưa ông?

Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Thư kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ những gia đình, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin nhân kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2024) và Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam. Nội dung trọng tâm của hoạt động này gắn với tuyên truyền để người dân hiểu về sự nguy hại của chất độc da cam, sự ảnh hưởng của chất hóa học này đến sức khỏe, thể trạng người Việt Nam. Đồng thời, kêu gọi, vận động nguồn lực tổ chức các hoạt động thăm và tặng quà, trao vốn  hỗ trợ tạo việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà ở… cho nạn nhân chất độc da cam và thân nhân họ.

Trong đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh phấn đấu huy động trên 300 triệu đồng, mỗi cấp hội cơ sở vận động từ 20 triệu đồng trở lên để hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc