Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Krông Ana
Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Krông Ana đã và đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả, giúp bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, góp phần cùng điạ phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ưu tiên mục tiêu thoát nghèo
Vốn là hộ khó khăn tại địa phương, năm 2021, ông Y Yên Hmǒk (buôn Dur 1, xã Dur Kmăl) được hỗ trợ vay 50 triệu đồng vốn dành cho hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có vốn, ông Y Yên đầu tư chăn nuôi bò, dê, đồng thời cải tạo lại vườn cà phê để tăng thu nhập.
Nhờ chăm lo làm ăn, hiện nay gia đình ông đã có thu nhập ổn định, trả được nợ ngân hàng; vươn lên thoát nghèo và xây được nhà mới kiên cố hơn. “Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành mà gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế. Chúng tôi sẽ cố gắng chăn nuôi, lao động sản xuất thật tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, chung tay phát triển kinh tế địa phương”, ông Y Yên chia sẻ.
Một hộ dân tộc thiểu số tại xã Dray Sáp xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. |
Gia đình chị H Diêu Niê là hộ nghèo ở buôn Tuôr A (xã Dray Sáp). Năm 2023, gia đình chị được hỗ trợ kinh phí xây nhà và phát triển sản xuất. Chị H Diêu cho biết: “Ngôi nhà gỗ trước đây của gia đình đã cũ nát, chỉ lo bị sập mỗi khi mưa to, gió lớn. Được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi có điều kiện để xây dựng nhà ở, có vốn để tái canh cà phê. Vợ chồng tôi sẽ nỗ lực phát triển kinh tế để thoát nghèo trong năm tới, có thêm điều kiện lo cho con cái học hành”.
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, cây con giống, nhà ở thì công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng được huyện chú trọng đối với lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS. Sau khi học nghề, lao động được giới thiệu việc làm hoặc có khả năng tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 7 xã của huyện Krông Ana đạt trên 48,7 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tại các buôn là 39 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo đồng bào DTTS còn 483 hộ (giảm 165 hộ so với năm 2020). |
Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức 21 lớp đào tạo nghề cho trên 800 lao động nông thôn (trên 40% là lao động người DTTS), kết thúc lớp đào tạo 100% học viên được cấp chứng chỉ nghề và 80% học viên có việc làm.
Việc lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với công tác giải quyết việc làm đã giúp bà con nông dân, trong đó có đồng bào DTTS trên địa bàn huyện thêm điều kiện thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.
Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc
Huyện Krông Ana có 8 đơn vị hành chính cấp xã, với 72 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó có 26 buôn đồng bào DTTS tại chỗ), đồng bào DTTS chiếm gần 24% số dân toàn huyện, sinh sống tập trung chủ yếu tại các buôn.
Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, các cấp chính quyền huyện đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong phát triển kinh tế - xã hội. Huyện cũng đã huy động các nguồn lực đầu tư, ưu tiên giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.
Lãnh đạo huyện Krông Ana bàn giao nhà Tình nghĩa cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở trên địa bàn. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND huyện đã đầu tư xây dựng chỉnh trang vỉa hè trục đường chính của huyện, 13 công trình giao thông nông thôn tại các buôn đồng bào DTTS phục vụ việc đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa; 10 công trình nhà vệ sinh; sửa chữa 2 nhà sinh hoạt cộng đồng; sửa chữa nâng cấp 25 phòng học, phòng chức năng của các trường học; 3 kênh mương, đập thủy lợi, hệ thống thoát nước tại các buôn.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đến nay kết cấu hạ tầng tại các vùng khó khăn của huyện được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đường trục thôn, buôn đạt 100%; 100% thôn, buôn có điện; 100% buôn đồng bào DTTS trên toàn huyện đều có nhà văn hóa cộng đồng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Y Nem Bkrông cho hay, là địa phương có khá đông đồng bào DTTS, huyện Krông Ana luôn ưu tiên, tập trung nguồn lực và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia. Trên cơ sở đó, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế của từng vùng và nhu cầu của người dân, huyện đã triển khai các chương trình, chính sách, dự án đến người dân được hưởng lợi, bảo đảm đúng đối tượng, đủ số lượng, công khai, minh bạch, qua đó từng bước giúp đồng bào ổn định cuộc sống.
Anh Phương
Ý kiến bạn đọc