Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo gia đình chính sách, người có công: Trách nhiệm và nghĩa tình

08:15, 15/09/2024

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; là trách nhiệm và nghĩa tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân để cuộc sống những người có công với cách mạng ngày càng được cải thiện hơn.

Những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP. Buôn Ma Thuột đã tham mưu, thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội; đặc biệt, luôn xem đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự tri ân, lòng biết ơn của cán bộ, chiến sĩ đối với những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Trung tá Đào Văn Huân, Chính trị viên phó Ban CHQS thành phố chia sẻ, thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công, từ năm 2021 đến nay, Ban CHQS thành phố phối hợp với các ban, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ cho gần 500 trường hợp thụ hưởng chính sách gồm: người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; giải quyết chế độ thương tật hằng tháng cho 2 trường hợp thương binh. Việc thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng quy định.

Cùng với đó, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ năm 2017 đến nay Ban CHQS thành phố đã nhận phụng dưỡng 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng với mức phụng dưỡng 1 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, còn vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ đóng góp kinh phí xây tặng 2 căn nhà cho 2 gia đình quân nhân xuất ngũ, lực lượng dân quân cơ động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí 160 triệu đồng.

Vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm của quân đội hằng năm, Ban CHQS thành phố đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách... nhằm gắn chặt tình đoàn kết quân dân, nâng cao đời sống cho người có công, gia đình chính sách.

Ban Chỉ huy Quân sự TP. Buôn Ma Thuột thực hiện chính sách cho thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên địa bàn.

Bà Đinh Thị Kim Mai (thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) có chồng là liệt sĩ. Ông hy sinh vào năm 1988 khi đứa con thứ hai chỉ mới vài tháng tuổi, cuộc sống kinh tế khó khăn, lại không người thân bên cạnh khiến bà tưởng chừng không gắng gượng được. Nhưng được sự quan tâm chăm lo, hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền các cấp, cuộc sống của mẹ con bà cũng dần ổn định.

Bà Mai xúc động nói: “Chồng hy sinh, bao nhiêu năm qua bản thân tôi vừa phải làm mẹ vừa làm cha để nuôi hai con khôn lớn. Cũng từng đó thời gian gia đình luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Ban CHQS thành phố và các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, gia đình được nhận các chế độ hỗ trợ đầy đủ nên hai đứa con đều được ăn học thành tài và đến nay đã nối nghiệp cha công tác trong quân đội”.

Cùng với việc chăm lo đời sống, chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều chế độ hỗ trợ khác đối với người và gia đình người có công với cách mạng như chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế... cũng được triển khai sâu rộng ở tất cả các địa phương và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng thực hiện.

Lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự TP. Buôn Ma Thuột thăm hỏi, động viên gia đình bà Đinh Thị Kim Mai.

Với gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Hiệp Tiến, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) bao nhiêu năm nay đều được hưởng cách chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định; đặc biệt, vào những ngày lễ, tết đều nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên từ đại diện chính quyền các cấp.

Ông Hạnh cho hay, bố ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, bản thân ông là bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào nên ông luôn phát huy tốt phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong mọi hoàn cảnh. Với sự nỗ lực, chăm chỉ lao động sản xuất, từ 4 sào đất mua được khi mới rời Nghệ An vào Đắk Lắk làm kinh tế mới, đến nay gia tài của ông không chỉ là 2,3 ha đất trồng sầu riêng mà còn cả ngôi nhà khang trang, ba người con học hành thành tài. Cuộc sống gia đình ông bây giờ ổn định, kinh tế khấm khá, các con có công việc, gia đình riêng, nhưng hằng ngày vợ chồng ông vẫn cần mẫn chăm sóc cây trồng bởi theo ông Hạnh đó vừa là nguồn thu nhập, vừa là niềm vui tuổi già.

Không riêng gì ông Hạnh mà trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều tấm gương người có công, gia đình người có công đã nỗ lực vươn lên sản xuất giỏi; giáo dục con cháu, người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tính đến hết tháng 6/2024, đơn vị đang quản lý gần 60.000 đối tượng hưởng các chế độ chính sách; trong đó có hơn 45.000 người có công, thân nhân người có công và 23 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các ban, ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội phần nào chia sẻ những hy sinh, mất mát cũng như động viên các gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc