Multimedia Đọc Báo in

Nên xem lại cách trồng cây xanh đường phố?

08:17, 15/09/2024

Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão đang gây ra hậu quả nặng nề cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Một trong những hậu quả nặng nề là cây xanh gãy đổ hàng loạt. Dư luận đặt câu hỏi: tại sao cây xanh ở đường phố đô thị dễ bị gãy đổ như vậy?

Cây dễ đổ do… không rễ?

Thống kê sơ bộ đến hết ngày 8/9/2024, Hà Nội đã có hơn 15.000 cây xanh gãy đổ bởi cơn bão số 3. Các đơn vị quản lý thông tin, phần lớn các cây xanh này đều ở các đường phố nội đô, nhiều cây có hàng chục năm tuổi, và trước khi cơn bão đến, những tổ cắt tỉa cành lá đã xử lý cắt tán gọt cành rất nhiều.

Điều đang khiến cộng đồng tranh luận là khi những gốc cây gãy đổ bật lên, ai cũng nhìn thấy các gốc đều rất nông, độ sâu đa số chưa vượt quá 1 m. Với các cây xanh đô thị có thân cao 6 – 10 m, tán lá rộng vài chục mét vuông tỏa ra, rõ ràng một bộ rễ như vậy thì cũng “coi như không có rễ”, làm sao chống chọi nổi với gió bão?

Dư luận còn chỉ ra, bao quanh bộ rễ vẫn còn nguyên các loại bao nilon, túi bạt, bao sợi vốn quấn bảo vệ rễ cây khi di chuyển từ vùng ươm sang hố trồng. Phải chăng do những người trồng đã “lười biếng” không xé bỏ bao bọc trước khi đưa cây vào hố trồng? Hay phải giữ nguyên các bao như vậy để cây non được bảo vệ rễ trong giai đoạn đầu, sau này rễ sẽ tự đâm bọc để ra ngoài?

Những cây xanh gãy đổ vẫn còn nguyên bao bọc gốc cây. Ảnh: Internet

Trước những nghi vấn trên, ông Nguyễn Văn Bảo, nguyên Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng nhấn mạnh, hoàn toàn không có giải pháp để cây trong bao nhằm bảo vệ an toàn bộ rễ. Một cây con trước khi chuyển trồng vào đường phố đô thị là đã có một thời gian được ươm chăm trong trại giống, đủ khỏe đủ lớn mới dời đi. Cây con đã có sức sống như thế, không cần phải lo bộ rễ “bị tổn thương”. “Vì vậy, trước khi đưa cây vào hố trồng, phải xé bỏ hoàn toàn các loại bao bì bọc chung quanh, để rễ cây tiếp xúc ngay với môi trường tự nhiên. Đất bọc theo cây được rải quanh sẽ bảo đảm cây dễ thích ứng”, ông Bảo khẳng định.

Trồng cây xanh đô thị sao cho đúng cách?

Theo ông Nguyễn Văn Bảo, việc quan trọng của trồng cây xanh đô thị là phải chọn được các giống cây thân cao, thẳng, tán xòe và nhất là bộ rễ khỏe, có thể ưu tiên cây rễ cọc càng tốt. Điều mấu chốt để cây vững vàng chỉ có thể là giúp cây phát triển mạnh bộ rễ.

Trước đây, khi có dịp trao đổi với các chuyên gia đô thị Hàn Quốc về kỹ thuật chăm sóc cây xanh đường phố, ông Bảo nhận thấy rằng họ đã trồng cây đô thị với tiêu chí càng phát triển bộ rễ mạnh càng tốt. Cách thức trồng của người Hàn là đào hố trồng khá sâu, có thể đến 2 – 2,5 m, sau đó đặt các lớp đất sét, đất thịt, đất dinh dưỡng, đất cát… xuống đáy hố, tạo một môi trường giữ dinh dưỡng và nước cho cây. Cây được trồng với độ sâu 40 – 80 cm, diện tích xung quanh tùy hoàn cảnh địa hình cho phép, nhưng thường là 2,2 m. Quan trọng là sau khi cây được đặt vào hố, sẽ dùng hệ cọc chống đỡ bao quanh để định vị cây. Các chuyên gia dùng ống kim loại rỗng bên trong làm cọc, đường kính cọc từ 4 – 6 cm, đâm xuyên vào đất từ 1,2 – 1,6 m, có cây còn cắm cọc sâu hơn. Về sau, các công nhân sẽ tưới nước, bón phân… cho cây qua việc đổ vào các ống này, đưa dinh dưỡng xuống tầng sâu dưới gốc cây. Với cách này, dù là loại rễ cọc hay rễ chùm, cây cũng sẽ phát triển bộ rễ lao về phía có dinh dưỡng, không mọc lan ra chung quanh, tạo nên một bộ rễ mạnh mẽ.

Công nhân cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão tại Trường THPT Hồng Đức, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thanh Hường

Ông Bảo phân tích: “Thật ra rễ cây rất nhạy cảm, nếu chúng ta bọc chúng lại, và chỉ tưới nước bỏ phân ở bề mặt phía trên, rễ cây sẽ chỉ mọc dày bên trong vùng bị khoanh kín, ít khi xuyên ra ngoài. Nếu bên ngoài có nhiều dinh dưỡng, rễ cây mới bị kích thích mọc ra. Những cây xanh bị bật gốc, lộ nguyên bầu rễ bị bọc bao kín, là do cách trồng không đúng, cách chăm bón cũng sai, chỉ tưới cây ở tầng mặt chứ không đưa dinh dưỡng xuống dưới sâu”.

Thiết nghĩ, trước thực trạng hậu bão lũ, cây đổ ngổn ngang, đây quả là giải pháp đáng được cân nhắc. Đã đến lúc các cơ quan quản lý, chức năng phải xem xét lại thực trạng trồng cây và chăm sóc cây xanh đường phố, chọn lựa các giải pháp tốt và trách nhiệm nhất, mới có thể bảo đảm an toàn đô thị khi có thiên tai xảy ra.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.