Multimedia Đọc Báo in

Thầm lặng sau nỗi đau da cam

08:34, 11/09/2024

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hàng triệu nạn nhân chất độc da cam trên cả nước vẫn đang phải hằng ngày chiến đấu cùng bệnh tật. Thầm lặng đằng sau nỗi đau ấy là những người mẹ, người vợ tảo tần, vất vả hy sinh, chăm lo cho gia đình với ước mơ về một cuộc sống bình dị.

Hơn 40 năm qua, bà Nguyễn Thị Bình (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) vẫn lặng lẽ sớm tối săn sóc cho người con gái bị ảnh hưởng di chứng của chất độc hóa học. Dù đã 42 tuổi nhưng con gái bà vẫn như một đứa trẻ, chỉ thi thoảng ngây ngô cười, cuộc sống gói gọn trên chiếc giường gỗ, nhìn trời qua khung cửa sổ nhỏ.

Bà Bình trải lòng, chồng bà từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau ngày đất nước thống nhất, gia đình đưa nhau vào Đắk Lắk lập nghiệp. Số phận nghiệt ngã khi người con gái thứ tư ra đời thì bị di chứng chất độc hóa học do ảnh hưởng từ bố. Sau đấy, chồng bà sức khỏe ngày một suy yếu và rồi cũng ra đi vì bệnh tật...

Ở cái tuổi 75, đáng ra bà Bình phải được hưởng sự an nhàn bên con cháu, ấy vậy mà ngày ngày, người phụ nữ với tấm lưng đã còng đi vì năm tháng vẫn tất tả chăm lo cho đứa con mãi không bao giờ lớn, nhẫn nại đút từng muỗng cháo, thìa nước, tắm giặt, vệ sinh cá nhân cho con…

Bà Bình nghẹn ngào: “Chiến tranh để lại nỗi đau dai dẳng, chồng đã mất, bản thân tôi sức khỏe ngày càng giảm sút, tôi còn sống ngày nào thì sẽ cố gắng chăm sóc con gái, chỉ lo chẳng may tôi ra đi sớm thì ai sẽ chăm sóc con...”.

Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin tỉnh (bìa trái) đến thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Minh (huyện Ea Kar).

Có lẽ, không gì đong đếm hết nỗi đau của những người mẹ phải chứng kiến đứa con của mình sinh ra với hình hài, trí óc không trọn vẹn. Hơn 40 năm qua, đối với bà Nguyễn Thị Minh (thôn 8, xã Ea Đar, huyện Ea Kar) nỗi đau trong tâm khảm vẫn hằng ngày dày xé.

Sau khi kết hôn, bà những tưởng cuộc sống yên bình trôi qua nhưng không ngờ chồng bị nhiễm chất độc hóa học khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, mang trong mình bệnh tật.

Chưa hết, người con đầu vừa ra đời đã rời bỏ gia đình, nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì đến đứa con thứ hai sinh ra bị ảnh hưởng của chất độc hóa học, không thể nhìn thấy ánh sáng và đi lại được, chỉ có thể ngồi một chỗ trên chiếc giường nhỏ, ngày qua ngày chịu những nỗi đau về thể xác hành hạ.

Bà Minh thường phải thức thâu đêm, suốt sáng để chăm sóc cho con. Mỗi lần nhìn con, bà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Niềm ao ước giản đơn của bà chỉ là chồng con được khỏe mạnh, bình thường.

Thầm lặng sau nỗi đau da cam, những người phụ nữ vốn yếu đuối bỗng trở nên mạnh mẽ, bởi lúc này, họ là chỗ dựa tinh thần, xoa dịu nỗi đau cho chồng, con trong những ngày trái gió, trở trời.

Như bà Nguyễn Thị Xuân (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông), rõng rã nhiều năm qua, bà lặn lội đưa người chồng bị nhiễm chất độc hóa học đi khắp các bệnh viện trong và ngoài tỉnh để chữa bệnh. Nhưng bệnh tình quá nặng, giờ đây chồng bà chỉ có thể nằm một chỗ. Trong 6 người con thì người con trai thứ tư bị câm điếc, không khôn ngoan, lanh lẹ như người bình thường.

Ròng rã nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Xuân vẫn cần mẫn chăm sóc chồng bệnh tật.

Bà Xuân bộc bạch: “Tiền bạc trong nhà cũng dần cạn kiệt, đau lòng hơn là bệnh tình của chồng ngày một nặng, bị những cơn đau giày vò từng ngày. Nhìn chồng, nhìn con, tôi như có ngàn nhát dao cứa vào tim, bất lực chỉ biết tận tình chăm sóc, cơm nước, an ủi chồng con để bù đắp lại nỗi đau quá lớn về thể xác và tinh thần”.

Giữa đời thường, những người mẹ, người vợ tảo tần một đời hy sinh cho chồng con thật đáng trân quý, họ phải vượt lên bi kịch cuộc đời mà không một lời kêu ca. Những mảnh đời ấy rất cần sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng để san sẻ gánh nặng, tiếp thêm động lực, niềm tin cuộc sống.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.