Multimedia Đọc Báo in

Trung thu yêu thương

08:17, 15/09/2024

Bằng những chương trình hoạt động thiết thực, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã mang đến cho trẻ em vùng sâu, vùng xa của tỉnh một mùa trung thu tràn đầy yêu thương.

Những ngày cận Tết Trung thu, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh (VHTTN) đã tổ chức chương trình “Lồng đèn thắp sáng ước mơ” cho các em thiếu nhi tại xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) và xã Ea Tul (huyện Cư M’gar).

Chương trình với rất nhiều hoạt động hấp dẫn và bổ ích như trò chơi đố vui, trả lời câu hỏi với chủ đề xoay quanh ngày Tết Trung thu; tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và làm những chiếc bánh trung thu xinh xắn; tự tay cắt giấy, nắn tre để tạo thành những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu hay cùng nhau trổ tài khéo léo trong việc sắp xếp, trang trí mâm ngũ quả…

Các hoạt động đã diễn ra sôi nổi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người. Em Lê Hoàng An Nhiên (12 tuổi, xã Ea Kênh) bày tỏ, em thích nhất là hoạt động làm lồng đèn thủ công, bởi nó không chỉ cần sự tỉ mỉ khéo tay mà trong mỗi chiếc lồng đèn còn chứa đựng những câu chuyện thú vị về hình dáng, ý nghĩa của sản phẩm. Từ sự hướng dẫn đầy đủ và dễ hiểu của các anh chị tình nguyện viên, Nhiên đã hoàn thiện được chiếc lồng đèn bằng tre rất xinh xắn. Nhiên hớn hở khoe: "Đây là lần đầu tiên em được tự tay làm lồng đèn, sau buổi hôm nay em sẽ làm thêm để dành tặng cho bạn bè và các em nhỏ ở nhà".

Các tình nguyện viên của Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi hướng dẫn cho các em nhỏ tại xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) làm lồng đèn trung thu.

Em H’Wê Ahui (8 tuổi, xã Ea Tul) không giấu được sự thích thú khi lần đầu tiên được trải nghiệm làm bánh trung thu. Nâng niu chiếc bánh nhỏ xinh thơm phức, H’Wê hồn nhiên thốt lên: “Em không nghĩ việc làm bánh trung thu lại dễ dàng như vậy. Những chiếc bánh do chính tay em tạo hình sẽ là món quà ý nghĩa dành cho người thân”.

Nhìn các em reo vui, trầm trồ xen lẫn những bỡ ngỡ ban đầu khi tham gia hoạt động trải nghiệm, chị Bùi Thị Phượng, Bí thư Đoàn xã Ea Kênh không giấu nổi niềm vui. “Trẻ em ở đây còn nhiều thiệt thòi, ít được tiếp xúc với các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích do điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn. Với chương trình này, các em đã có được một ngày vui trọn vẹn và những món quà ý nghĩa nhân dịp Tết Trung thu”, chị Phượng tâm sự.

Để có thể mang đến niềm vui đủ đầy và trọn vẹn cho các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, Ban tổ chức cũng như các tình nguyện viên đã có quá trình chuẩn bị rất chu đáo. Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà VHTTN cho biết: “Khác với các năm trước, Tết Trung thu năm nay lần đầu tiên chúng tôi tổ chức dưới hình thức trải nghiệm, phối hợp, lồng ghép nhiều hoạt động như làm lồng đèn, làm bánh trung thu, trang trí mâm ngũ quả… với sự góp mặt của đông đảo thanh thiếu nhi đang sinh hoạt tại Nhà VHTTN. Thông qua hoạt động này, chúng tôi mong các bạn nhỏ ở vùng sâu, vùng xa có thể cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể tới đời sống tinh thần của các em”.

Được sự ủng hộ của gia đình, em Phan Bùi Gia Linh (14 tuổi, TP. Buôn Ma Thuột) đã đến hai nơi diễn ra sự kiện nói trên từ rất sớm để cùng với Ban tổ chức và thành viên các câu lạc bộ, đội, nhóm tổ chức một ngày trung thu vui vẻ cho các bạn ở vùng xa. Không chỉ riêng Gia Linh mà với hầu hết thành viên của chuyến đi, đây là một trải nghiệm ý nghĩa. Chương trình đã diễn ra một cách trọn vẹn với niềm vui đong đầy trong ánh mắt, nụ cười của những người tổ chức và cả những người tham dự.

Tương tự, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thiện nguyện trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong dịp Tết Trung thu cho trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Chị Lê Thị Thu Nga (giữa) cùng các thành viên Câu lạc bộ “Hành trình kết nối trái tim” chuẩn bị đồ trang trí cho Tết Trung thu tại buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lắk).

Chị Lê Thị Thu Nga, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Hành trình kết nối trái tim” (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, năm nay câu lạc bộ sẽ tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu như múa lân, trò chơi trải nghiệm, phá cỗ...  và tặng các phần quà, nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, bánh kẹo, sữa tươi, sách, vở, đồ dùng học tập, thuốc bổ… cho học sinh khó khăn và các hộ nghèo tại buôn Lách Ló (xã Nam Ka, huyện Lắk) từ nguồn kinh phí do các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tài trợ.

“Chương trình được tổ chức vào đúng ngày Tết Trung thu nhưng ngay từ bây giờ các tình nguyện viên và thành viên của câu lạc bộ đã tranh thủ thời gian để thực hiện công tác chuẩn bị chu đáo, đầy đủ. Hy vọng rằng, các em nhỏ và người dân tại buôn Lách Ló sẽ có một ngày thật vui và hạnh phúc”, chị Thu Nga bày tỏ.

Việc tổ chức các chương trình hướng về vùng sâu, vùng xa là hoạt động thực sự ý nghĩa của các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh nhằm mang tới cho trẻ em một ngày Tết Trung thu thật ấm áp, vui tươi.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.