Multimedia Đọc Báo in

Vào vùng tâm lũ

14:13, 24/09/2024

Sau bão Yagi, mưa lớn ở miền Bắc. Thông tin về số người tử vong và tài sản mất mát tăng lên mỗi ngày. So ra, tỉnh Lào Cai thiệt hại nặng nề nhất, số người chết chiếm gần phân nửa tổng số người chết ở các địa phương cộng lại.

Trong tỉnh Lào Cai thì huyện Bảo Yên thiệt hại nặng nề nhất. Tâm điểm của mưa lũ ở huyện Bảo Yên chính là thôn Làng Nủ ở xã Phúc Khánh, nơi xảy ra thảm kịch lở đất xóa sổ cả ngôi làng vào sáng 10/9.

Hàng hóa cứu trợ của bà con huyện Ea H'leo đến với huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Hơn một tuần sau vụ lở đất, tôi tìm đến thôn Làng Nủ. Từ thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên), tôi xuôi về hướng tỉnh Yên Bái chừng hơn 10 km thì dừng lại hỏi đường vào Làng Nủ. Đó là con đường bê tông nhỏ, nhiều đoạn đá dăm cấp phối, chạy ven theo những con suối nhỏ xuyên qua các ngọn đồi. Đi hơn 10 km nữa thì Làng Nủ hiện ra trước mắt. Nói chính xác thì đó là nơi từng có một ngôi làng. Bởi ngoài hai ngôi nhà còn sót lại ở bìa rừng, nơi đất cao thì tất cả chỉ còn là bãi hoang lổn nhổn đất đá, cây khô, củi mục. Cảnh đổ nát, hoang tàn khiến ai cũng xót xa, đau thắt.

Ông Hoàng Ngọc Sử, Bí thư Chi bộ thôn Làng Nủ cho biết: “Danh sách người chết tìm thấy được là 53 người, hiện còn 13 người mất tích chưa tìm thấy thi thể. Các lực lượng tham gia cứu hộ vẫn đang đào bới, tìm kiếm nhưng hy vọng mong manh lắm. Khối lượng đất đá lớn thế kia, nhiều chỗ sâu vài mét”.

Nói trong nước mắt, anh Sầm Văn Bóng (44 tuổi), là một trong những gia đình có người thân mất nhiều nhất (5 người) kể lại buổi sáng kinh hoàng ngày 10/9: “Mưa lớn suốt hai ngày, hai đêm. Tầm hơn 5 giờ sáng 10/9, tôi mang áo mưa, bật đèn pin đi thăm đám ruộng ở cuối làng. Chừng 6 giờ kém tôi nghe trong mưa có tiếng lục bục đâu đó. Rồi chỉ lát sau có tiếng nổ lớn trên đỉnh núi Voi phía sau lưng làng. Vậy rồi một mảng núi đổ ụp xuống, chảy dài, vùi lấp và cuốn theo mọi thứ. Tôi ở cuối làng, phía cánh đồng nên thoát chết. Nhưng vợ, con và hai cháu thì không còn cơ hội sống sót”.

Tôi lội một vòng quanh thôn Làng Nủ mà giờ đây đã biến thành bãi đất hoang lạnh. Quốc lộ 70 dù còn nhiều điểm sạt lở nhưng cũng đã thông tuyến tạm thời. Một số nhóm thiện nguyện đã dùng xe bán tải chở hàng hóa vào tận nơi.

Đồi Sim đang được khẩn trương san lấp mặt bằng nơi tái định cư Làng Nủ.

Tập trung đông nhất là khu vực đầu làng, nơi xe cơ giới của lực lượng cứu hộ vẫn đang miệt mài đào bới, tìm kiếm các thi thể còn lại. Tôi nhìn biển số xe, thấy khá đông các tỉnh thành ở miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.

Thấy biển số xe 47T-3949 và 81A-208.55, tôi tìm đến hỏi chuyện. Anh thanh niên nhỏ con, người lấm lem bùn đất tên là Châu Văn Đông, trú huyện Ea H'leo cho hay: “Sau bão lũ, ở tỉnh Đắk Lắk có nhiều đoàn ra Bắc cứu trợ lắm anh. Chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, nhóm thiện nguyện… đều tổ chức quyên góp, hỗ trợ người dân vùng bão lũ. Trong đợt này, đoàn chúng tôi là Hiệp hội máy công trình miền Trung và Tây Nguyên cùng bà con nhân dân huyện Ea H’leo mang theo hai xe tải với 40 tấn hàng hóa và 200 triệu đồng tiền mặt ra phía Bắc hỗ trợ bà con. Đi nhiều nơi rồi, hôm nay mới đến Làng Nủ”.

Cùng với nhóm của Châu Văn Đông còn có những nhóm thiện nguyện khác đã lặn lội vào đây, nơi được xem là tâm lũ của đợt lũ lụt vừa qua, để chia sẻ tình nghĩa đồng bào với người dân Làng Nủ sau cơn đại nạn. Những nghĩa cử thật ấm lòng!

Tôi tranh thủ đến đồi Sim, nơi được chọn là khu tái định cư cho người dân thôn Làng Nủ. Xe cơ giới đã san ủi mặt bằng, rất đông các chiến sĩ đang dựng khung nhà, khiêng tôn kẽm để lợp. Người chỉ huy giải thích đây chỉ là nhà tạm cho các hộ dân. Sau khi hoàn chỉnh mặt bằng sẽ xây nhà mới khang trang, kiến trúc xây dựng theo lối nhà sàn truyền thống của người Tày ở Làng Nủ.

Tạm biệt Làng Nủ ở vùng tâm lũ, tôi mang theo về một nỗi đau. Nhưng nhìn các chiến sĩ quân đội, công an, chính quyền địa phương các cấp, các nhóm cứu hộ, thiện nguyện… đang tất bật với công tác tìm kiếm thi thể người mất tích, kiểm đếm hàng hóa cứu trợ, dựng lại nhà cửa nơi tái định cư, lòng chợt ấm lên ngọn lửa nhân quần. Thiên tai là điều không ai muốn nhưng những mất mát, đau thương rồi sẽ được bồi lấp bằng trách nhiệm và tình thương vô bờ bến của muôn người. Rồi cuộc sống mới ở Làng Nủ tái định cư sẽ lại xanh màu hy vọng, như đã từng có ở Trà Leng (Quảng Nam), Rào Trăng, Làng Rồng (Thừa Thiên - Huế)…

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.