Hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật
Bên cạnh việc dạy cho trẻ khuyết tật những kỹ năng giao tiếp, đọc viết, làm toán…, thời gian qua, các trung tâm giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép thêm các buổi hướng nghiệp nhằm tiếp thêm động lực nuôi dưỡng ước mơ, truyền cảm hứng nghề nghiệp cho học sinh.
Truyền cảm hứng nghề nghiệp
Hơn 20 năm qua, nhờ sự định hướng, chăm sóc tận tình của giáo viên tại Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột), hàng trăm trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đã tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, có thể tự lo cho bản thân và đóng góp cho xã hội.
Cô Bùi Thị Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân cho biết: “Khi dạy dỗ và chăm sóc trẻ khuyết tật, chúng tôi luôn mong muốn mang lại một tương lai tươi sáng cho các em, do đó rất chú trọng việc hướng nghiệp và dạy nghề cho đến khi các em có thể tự kiếm sống. Hiện nay, tại trung tâm đang dạy nhiều nghề như thiết kế đồ họa, may, vẽ, massage… tùy vào nhu cầu, sở thích của từng em".
Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh hướng dẫn học sinh đan móc len. |
Như em Rơ Mah Bom (SN 2003) là trẻ khiếm thị, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sinh sống ở một xã vùng sâu của tỉnh Kon Tum. Đến học tại Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân từ năm 2018, sau 4 năm học văn hóa, tới tháng 9/2022, em được định hướng theo học nghề massage tại trung tâm. Được giáo viên tận tình hướng dẫn, em nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật massage từ cơ bản đến nâng cao, đến nay đã thành thạo nghề và có thu nhập ổn định từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Rơ Mah Bom đang ấp ủ mong ước sau này có thể mở một cơ sở massage cho riêng mình và tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn khiếm thị khác.
Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh (gọi tắt là Trung tâm), cứ mỗi chiều thứ ba và thứ sáu hằng tuần, hơn 30 học sinh khối lớp 4, lớp 5 lại được tham gia 2 lớp dạy nghề đan móc len và pha chế. Tại lớp đan móc len, các em có 2 tuần để làm quen, học lý thuyết về các loại dụng cụ và một số mũi móc đơn giản, sau đó sẽ được giáo viên hướng dẫn thực hành các mũi đan nâng cao để làm ra các vật dụng như miếng lót ly, móc khóa… Còn tại lớp dạy pha chế, các em được học công thức và cách trang trí một số loại nước uống đơn giản như nước cam, trà sữa, cà phê…
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Phòng Giáo dục hòa nhập – Công tác xã hội của Trung tâm chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, có nhiều từ ngữ được thể hiện qua cùng một ký hiệu nên đôi lúc sẽ gây khó hiểu cho học sinh, vì vậy việc dạy nghề cho trẻ đòi hỏi chúng tôi phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo trong quá trình giao tiếp. Bên cạnh đó, các em còn khá nhỏ tuổi, trong đó có một số em khuyết tật về trí tuệ nên sẽ hay quên công thức dẫn đến sản phẩm bị lỗi, không đúng với yêu cầu. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn kiên trì hướng dẫn nhiều lần giúp học sinh ghi nhớ, đồng thời tạo không khí buổi học vui vẻ giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn”.
Tăng cơ hội hòa nhập cộng đồng
Tham gia các lớp hướng nghiệp còn là cơ hội để các em được trang bị thêm kỹ năng sống, được làm quen và thực hành những công việc đơn giản thông qua một môi trường trải nghiệm thực tế.
Hơn 1 năm tham gia lớp hướng nghiệp, em Trần Thị Thúy Vy, học sinh khiếm thính lớp 5A ở Trung tâm đã tự tay làm được nhiều món nước ngon cho bạn bè, gia đình. Thấy niềm vui của mọi người khi được thưởng thức những ly nước do chính tay mình làm ra đã hình thành cho Thúy Vy ước mơ sau này có thể tự mở và điều hành một quán cà phê đặc biệt với nhân viên đều là người khuyết tật.
Em Đặng Tiểu Tuệ, học sinh khiếm thính cùng lớp với Thúy Vy khoe rằng, chỉ sau hơn 3 tháng học đan móc len, em đã làm ra được một số sản phẩm như móc khóa, khăn choàng cổ, túi… Mùa hè vừa qua, Tiểu Tuệ đã nhờ mẹ bán những sản phẩm do chính tay em làm ra để mua dụng cụ học tập cho năm học mới.
Giáo viên tại Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột) dạy nghề may cho trẻ khuyết tật. |
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Phạm Thị Tuyết cho biết: Sau 2 năm triển khai lớp hướng nghiệp, Trung tâm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía phụ huynh. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để mở thêm các lớp dạy làm mộc mỹ nghệ, làm bánh… nhằm tăng cơ hội tiếp cận, lựa chọn nghề nghiệp giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng và có thể kiếm tiền để tự nuôi sống bản thân.
Còn cô Bùi Thị Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân cho hay, bên cạnh dạy nghề, trung tâm còn thường xuyên kết nối với các cơ sở, đơn vị trên địa bàn tỉnh cho trẻ có cơ hội được thực tập thực tế nhằm giúp các em nâng cao tay nghề và có thêm thu nhập; vì vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương để trung tâm có điều kiện mở rộng cơ sở học tập, nâng cấp trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng học tập, dạy nghề.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc