Multimedia Đọc Báo in

Ðịnh hình đô thị xanh cho Buôn Ma Thuột

08:46, 30/10/2024

Từ năm 1904, khi người Pháp thành lập tỉnh Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột được chọn làm trung tâm tỉnh lỵ. Sau năm 1975, từ một thị xã nhỏ bé, có quy mô tương đương đô thị loại IV, Buôn Ma Thuột dần vươn mình với những dấu mốc quan trọng: năm 1994 được công nhận là đô thị loại III; năm 2005 được công nhận là đô thị loại II; năm 2010 được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch là đô thị trung tâm vùng, đóng vai trò đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của khu vực Tây Nguyên.

Có thể nói, trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột vào những giai đoạn lịch sử trên cũng như hiện tại và tương lai, chính quyền cùng người dân ở đây luôn dựa trên đường hướng tích hợp và mở rộng các giá trị tương thích, phù hợp với đặc thù địa lý, nhân văn, lịch sử, văn hóa vốn hết sức độc đáo và giàu bản sắc của cư dân bản xứ. Vì thế đô thị này, từ trước đến nay vẫn giữ được nét rất riêng và độc đáo, không rơi vào mô típ chung chung, hoặc na ná giống nhau như nhiều đô thị mới được quy hoạch và xây dựng gần đây. Việc gợi mở và xác lập bản sắc đô thị Buôn Ma Thuột được tiếp tục bồi đắp, sáng tạo thêm để thu hút mọi nguồn lực đầu tư nhằm phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có.

Buôn làng truyền thống trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột với vườn, rừng và kiến trúc nhà dài người Êđê đã làm nên bản sắc cho đô thị này. Ảnh: Hữu Hùng
 

Chỉ có thể xây dựng một thành phố có bản sắc, cả về đời sống cộng đồng thành thị và cả về diện mạo kiến trúc, nếu biết đi lên và kiến tạo nó từ sự gợi mở của tài nguyên thiên nhiên, từ sự tích lũy văn hóa cộng đồng đặc trưng, từ quỹ kiến trúc đô thị đã hình thành và từ những chủ trương/chương trình mở mang TP. Buôn Ma Thuột có tầm nhìn và nhất quán”.

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan

Với đường hướng trên, các chuyên gia quy hoạch và phát triển đô thị cho rằng, trong quá trình mở rộng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột cần đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức không gian cho đô thị này, nhất là không gian xanh bao trùm ở đây vốn được cộng đồng người bản xứ kiến tạo nên từ hàng trăm năm trước. Trong không gian ấy - gồm rừng tự nhiên, sông suối, bến nước, buôn làng… là những sinh thể quan trọng, độc đáo để kiến tạo và xác lập bản sắc cho đô thị Buôn Ma Thuột.

Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Phú Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội KTS Đắk Lắk, việc tổ chức không gian kiến trúc ở đô thị miền núi này trải qua các giai đoạn lịch sử đều dựa vào những yếu tố đặc thù trên. Và đây được xem là vốn di sản độc đáo, đặc thù để khai thác, xác lập bản sắc đô thị Buôn Ma Thuột một cách xuyên suốt và liên tục.

KTS Nguyễn Phú Hữu gợi mở thêm, hàng chục buôn làng của người dân tộc tại chỗ sinh sống dọc theo các con suối như: Ea Tam, Ea Nuôl, Ea Nao, Ea Tul… cần phải được gìn giữ, bảo tồn ở cấp độ tốt nhất - từ rừng đầu nguồn, bến nước cho đến kiến trúc nhà dài truyền thống đặc sắc và nổi bật. Đây là di sản kiến trúc mà không phải đô thị nào cũng sở hữu được nên chính quyền địa phương cần quan tâm khai thác hợp lý để tạo nên gương mặt rất riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột. Hơn thế, để hướng đến điều đó, cần phải có đánh giá nghiêm túc về hiện trạng các buôn làng hiện hữu. Trong đó phải phân loại và đề xuất được các buôn làng, công trình công cộng trên địa bàn để bảo tồn, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng cũng như hình thái kiến trúc phù hợp với quá trình đô thị hóa Buôn Ma Thuột trước bối cảnh hội nhập hiện nay.

Ngoài ra, yếu tố “xanh” cũng cần được chú trọng, phát triển thêm để góp phần xác lập bản sắc cho đô thị miền núi này. Tại nhiều cuộc hội thảo khoa học về quy hoạch và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột được tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia trong những năm vừa qua, yếu tố “xanh” cho Buôn Ma Thuột đều được quan tâm đặt ra. PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) gợi mở: Buôn Ma Thuột có đầy đủ điều kiện, tiềm năng phát triển thành một đô thị xanh theo đúng nghĩa với quỹ đất dồi dào và nền kinh tế nông - lâm nghiệp xanh và bền vững.

Về xanh cảnh quan, đô thị này có hệ thống suối, hồ, rừng, vườn tược… khá lý tưởng. Đó là những vùng sinh thái đặc biệt, cần được nhận diện trong việc quy hoạch, xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị có bản sắc. Xanh về kinh tế, thì thế mạnh của Buôn Ma Thuột là công nghiệp chế biến và dịch vụ gắn với nền sản xuất nông - lâm nghiệp đã và đang được chính quyền địa phương cùng người dân, doanh nghiệp đầu tư theo hướng ngày càng hiện đại hóa, để không những gia tăng sản lượng và chất lượng, mà còn mở ra điều kiện, cơ hội cho ngành “du lịch xanh” tham gia thông qua các hoạt động tham quan vườn cà phê, sầu riêng, cắm trại trong rừng và trải nghiệm đời sống văn hóa của cư dân ở đây, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại chỗ. 

Yếu tố xanh cảnh quan góp phần làm nên bản sắc đô thị Buôn Ma Thuột.

Có thể nói, cùng với vùng sinh thái xanh trong lòng thành phố gắn kết với  nền kinh tế xanh bao bọc, cùng với bản sắc văn hoá, kiến trúc đặc trưng - nếu được nhận diện và tôn trọng đúng mức trong quá trình khai thác, phát triển sẽ kiến tạo nên một đô thị Buôn Ma Thuột giàu đẹp và mang đậm bản sắc riêng.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.