Khi giáo viên "làm bạn" với học sinh
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là cầu nối quan trọng giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh. Trong bối cảnh đổi mới của giáo dục, GVCN cần linh hoạt, sáng tạo trong công tác chủ nhiệm để hoàn thành tốt mục tiêu của chương trình giáo dục hiện hành.
Dẫn dắt cảm xúc tích cực cho học sinh
Là giáo viên thuộc thế hệ “gen Z”, thầy Ngô Văn Dũng (SN 2000, giáo viên Trường THCS và THPT Đông Du, TP. Buôn Ma Thuột) tiêu biểu cho lớp trẻ năng động, nhiệt huyết. Tham gia giảng dạy và nhận công tác chủ nhiệm từ năm 2021, thầy mạnh dạn tìm những cách thức đổi mới và vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong công việc.
Tại Hội thi “Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2023 - 2024” diễn ra vào tháng 4/2024, thầy Dũng gây ấn tượng khi là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong số 181 giáo viên tham gia, nhưng đã đạt điểm số cao nhất và là 1 trong 6 thí sinh đoạt giải Nhất tại hội thi.
Thầy Ngô Văn Dũng (giáo viên Trường THCS và THPT Đông Du, TP. Buôn Ma Thuột) đạt thành tích ấn tượng khi là thí sinh nhỏ tuổi nhất nhưng đạt điểm số cao nhất tại Hội thi “Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2023-2024”. |
Thầy Dũng chia sẻ: "Đối với giáo dục đang đổi mới hiện nay, giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức đơn thuần mà còn là người hướng dẫn, định hướng và tạo động lực học tập cho học sinh. Khi bắt đầu công tác chủ nhiệm, tôi đã lập một bảng khảo sát tình hình học sinh để từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp, bởi khi học sinh đến trường với cảm xúc tích cực sẽ là nền tảng để tạo nên lớp học hạnh phúc.
Như đối với học sinh THPT, việc tạo ra các tiết sinh hoạt theo cách thức mới, cởi mở giúp học sinh tìm hiểu, khám phá bản thân, mạnh dạn đưa ra các mục tiêu cho cuộc sống, ngành nghề mà bản thân yêu thích, từ đó có động lực phấn đấu. Bên cạnh đó, cần thực hiện nhiều hình thức khen thưởng như: thư khen, giấy khen cho học sinh trên nhiều mặt khác nhau chứ không chỉ riêng trên lĩnh vực học tập (ví dụ: khen thưởng về mảng STEM, thể thao, văn nghệ, kể chuyện…)".
GVCN phải theo sát lớp, quan tâm các em trong học tập, sinh hoạt tại trường, nhất là đối với học sinh học bán trú, nội trú, luôn đồng hành với học sinh trong các hoạt động. Chẳng hạn nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), thầy Dũng cùng hướng dẫn, tập luyện và biểu diễn văn nghệ trên sân khấu với học sinh. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên trở nên cởi mở, gắn bó hơn.
Theo thầy Dũng, lợi thế của bản thân là có độ tuổi gần với lứa tuổi của học sinh THPT hiện nay, bởi thế có thể thấu hiểu phần nào các vấn đề của học sinh, từ đó phối hợp 2 vai “làm thầy” và “làm bạn” nhằm phát huy hiệu quả trong công tác quản lý lớp. Qua đó, học sinh cũng mạnh dạn chia sẻ các vấn đề về tình cảm, học tập, gia đình… để GVCN đưa ra những hướng dẫn, đóng góp lời khuyên, định hướng đúng, kịp thời.
Lắng nghe và chia sẻ
Ở mỗi cấp học khác nhau, tính cách, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh cũng sẽ không giống nhau. Đối với học sinh cấp tiểu học, vai trò của GVCN lại càng quan trọng, giáo viên cần gần gũi, sẻ chia để dìu dắt các em trưởng thành.
Công tác tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar), cô Vũ Thị Nhung (SN 1988) có nhiều năm gắn bó với học sinh lớp 1.
Cô Nhung bộc bạch, vào lớp 1 là bước ngoặt đối với học sinh, bởi thế, người giáo viên cần mềm dẻo, linh hoạt trong hoạt động giáo dục. Cùng với giảng dạy kiến thức, cần chú trọng giáo dục đạo đức để học sinh hình thành những đức tính, phẩm chất tốt đẹp.
Đối với học sinh cá biệt, GVCN nên dành nhiều thời gian tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, trao đổi với phụ huynh để thấu hiểu hơn. Đồng thời tạo điều kiện để học sinh mạnh dạn phát huy điểm mạnh, khen đúng, khen kịp thời giúp học sinh phát triển tốt hơn về mặt tình cảm, nhân cách, từ đó tiến bộ trong học tập.
Cô Vũ Thị Nhung (giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò ở xã Ea M'droh. |
Dìu dắt nhiều thế hệ học trò, trong ký ức của cô Nhung đọng lại những kỷ niệm khó phai. Cô Nhung kể, có lần, một học sinh trong lớp bỗng dưng học hành chểnh mảng, giờ ra chơi thường ngồi một chỗ, tỏ ra buồn rầu. Cô nhẹ nhàng hỏi thăm, trò chuyện mới biết được nguyên nhân do bố mẹ chia tay, em sống cùng ông bà. Cô đã động viên học sinh cố gắng học tập, cũng như dành thời gian tâm sự, trò chuyện với em nhiều hơn, đồng thời đến thăm gia đình, nhờ ông bà quan tâm đến cháu hơn nữa. Và kết quả thật đáng mừng vì sau đó em học sinh đã ổn định tinh thần, học hành tiến bộ hơn.
Lần khác, có một học sinh gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường nên em hay vắng học. Cô Nhung không quản ngại đường sá xa xôi, nhiều lần đến tận nhà em tìm hiểu hoàn cảnh, động viên em đi học, đồng thời kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ em góc học tập, đèn học, xe đạp... Nhờ đó, em đã chuyên cần đến lớp, đạt học sinh tiên tiến nhiều năm liền.
Đối với cô Nhung, niềm vui của bản thân chỉ đơn giản là thấy học sinh đi học chuyên cần, tiến bộ, nghe lời thầy cô, đến trường luôn vui tươi, hạnh phúc...
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc