Multimedia Đọc Báo in

Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại huyện M’Drắk

15:39, 31/10/2024

Sáng 31/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Công ty Sơn công nghiệp Thái Dương tổ chức khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chị H’Đa La Mlô (buôn M’Gơm, xã Ea Trang, huyện M’Drắk).

Chị H’Đa La là mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ trong căn nhà sàn đã xuống cấp. Chồng chị qua đời do tai nạn giao thông từ năm 2018. Do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, con gái đầu của chị là H’Thuần Mlô (sinh năm 2008) phải bỏ học từ năm 2023 khi vừa tốt nghiệp THCS.

Đại diện các đơn vị và nhà tài trợ trao bảng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho chị
Đại diện các đơn vị và nhà tài trợ trao bảng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho chị H'Đa La Mlô.

Qua kết nối của Ban Dân vận các cấp, Tổng kho sơn Tiến Đạt (đại diện Công ty Sơn công nghiệp Thái Dương tại Đắk Lắk) đã tìm hiểu nguyện vọng, giúp đỡ em H’Thuần được nhập học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện M’Drắk.

Công ty cũng trích nguồn phúc lợi hỗ trợ xây dựng nhà ở trọn gói cho gia đình với tổng chi phí 205 triệu đồng. Căn nhà bao gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, bếp và công trình vệ sinh khép kín. Thời gian thi công dự kiến trong vòng 30 ngày.

Các đại biểu cùng tham gia động thổ xây dựng căn nhà.
Các đại biểu cùng tham gia động thổ xây dựng nhà tình nghĩa.

Đây là căn nhà thứ 2 Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Công ty Sơn công nghiệp Thái Dương xây dựng cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh trong năm 2024.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Doãn Tới ghi nhận sự đồng hành đầy ý nghĩa của doanh nghiệp đối với công tác an sinh xã hội tại tỉnh Đắk Lắk và mong muốn cấp ủy, chính quyền cùng các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để căn nhà sớm hoàn thiện, tạo động lực cho gia đình chị H’Đa La Mlô sớm thoát nghèo, các cháu nhỏ được học hành đầy đủ.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.