Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hiệu quả thư viện trường học

08:41, 16/10/2024

Thư viện trường học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục văn hóa, tri thức, định hướng và phát triển văn hóa đọc cho học sinh.

Tại Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar), thư viện thân thiện với nhiều hoạt động phong phú đã giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách, kỹ năng học tập suốt đời, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Lý thú tiết đọc thư viện

Thầy Lê Hoài Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, xác định tầm quan trọng của thư viện trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay, từ năm học 2022 - 2023, nhà trường đã bố trí tiết đọc thư viện trong thời khóa biểu.

Theo đó, học sinh khối 6 và 7 mỗi tuần sẽ có một tiết đọc thư viện. Để nâng cao hiệu quả tiết đọc, giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh về cách đọc sách, tổ chức cho các em đọc sách theo chủ đề, chủ điểm hằng tháng. Bên cạnh đó, học sinh cũng được lựa chọn những cuốn sách yêu thích để đọc, đồng thời chuẩn bị cho mình một cuốn vở để viết cảm nhận, nội dung rút ra sau khi đọc sách. Trong mỗi tiết đọc, giáo viên còn đặt câu hỏi, đố vui liên quan nội dung những cuốn sách học sinh vừa đọc, tạo không khí vui tươi, hào hứng.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ đọc sách tại tiết đọc thư viện.

Có mặt tại một tiết đọc thư viện của trường mới thấy các em học sinh mê sách như thế nào. Trong phòng thư viện rộng khoảng 90 m2, bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn, các bức tường được trang trí bằng những hình vẽ đầy sắc màu, sách sắp xếp trên kệ theo chủ đề giúp học sinh dễ dàng tiếp cận. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em chọn cuốn sách phù hợp ngồi đọc và cùng trao đổi, thảo luận. Cuối tiết đọc, nhiều em nắn nót ghi chép cảm nhận của mình vào quyển vở mang theo.

Em H'Quyết Niê (học sinh lớp 7A3) chia sẻ, em rất thích thú khi đến thư viện bởi không gian ở đây thoáng mát, rộng rãi, mang lại cảm giác thoải mái. Bên cạnh đó, sách ở thư viện hay và đa dạng, giúp em có nhiều lựa chọn. Còn em Trần Đăng Nhật Huy (lớp 7A3) bộc bạch, nhờ tiết đọc thư viện, em có nhiều thời gian đến thư viện để đọc và mượn sách, giúp em nắm vững kiến thức, hiểu biết hơn.

Phát huy hiệu quả hoạt động thư viện

Cô Võ Thị Lan, nhân viên thư viện Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, thư viện hiện có hơn 8.000 đầu sách, với nhiều thể loại như: sách tham khảo, truyện thiếu nhi, sách đạo đức, kỹ năng sống, lịch sử, sách về Bác Hồ… Sách được sắp xếp theo chủ đề, theo hướng mở giúp học sinh dễ dàng lựa chọn.

Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động thư viện, những năm qua, cùng với việc bổ sung đầu sách, thư viện trường đã đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến sách như: tổ chức Ngày hội đọc sách, giới thiệu sách trước cờ, thi giới thiệu sách qua hình thức sân khấu hóa, thi sổ nhật ký đọc sách, tổ chức khen thưởng cho học sinh chăm đọc hằng tháng... Đặc biệt, trong dịp hè, thư viện trường vẫn mở cửa để phục vụ nhu cầu mượn, đọc sách cho học sinh.

Các em học sinh chăm đọc sách tháng 9 được nhà trường khen thưởng.

Năm học 2022 - 2023, thư viện trường phối hợp cùng giáo viên bộ môn tổ chức hành trình kiến tạo văn hóa đọc. Trong hành trình này, học sinh được rèn luyện đọc sách trong 21 ngày, mỗi ngày các em đúc kết một nội dung, câu chuyện vào sổ nhật ký đọc sách. Kết thúc hành trình, giáo viên kiểm tra, đánh giá và khen thưởng. Đây cũng là nội dung được trường đưa vào đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp huyện năm học 2022 - 2023 và đạt giải Tư.

Trước thềm năm học 2024 - 2025, Giải vô địch các CLB Golf cựu sinh viên Đại học miền Bắc đã trao tặng trường một Thư viện thân thiện, hỗ trợ cơ sở vật chất cùng 448 đầu sách. Nhờ đó, thư viện trở nên khang trang, giúp học sinh thêm yêu thích đến thư viện. Trung bình mỗi tháng có từ 600 - 700 lượt học sinh đến mượn và đọc sách.

Theo thầy Hiệu trưởng Lê Hoài Sơn, thời gian tới, trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, đẩy mạnh các hoạt động, tiến tới xây dựng thư viện chuẩn mức độ 2, hướng tới xây dựng thư viện số, thư viện điện tử nhằm phục vụ nhu cầu đọc sách, tra cứu tài liệu, học tập của học sinh, giáo viên.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.