Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề bất cập cho phụ nữ, trẻ em: Nhiều mô hình hiệu quả tại huyện Lắk

07:36, 04/10/2024

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Lắk đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".

Thành lập “Địa chỉ tin cậy”

Từ đầu tháng 9/2024, Hội LHPN xã Buôn Triết phối hợp với chính quyền địa phương ra mắt mô hình điểm "Địa chỉ tin cậy" đặt tại hội trường buôn Knach (cũ). Đây là "Địa chỉ tin cậy" đầu tiên được thành lập tại huyện Lắk để tiếp nhận các nạn nhân bị bạo lực gia đình đến lánh nạn.

Chủ tịch Hội LHPN xã Buôn Triết Nguyễn Thị Hiền cho biết, "Địa chỉ tin cậy" ra đời với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng.

Ban điều hành là những người có uy tín trong cộng đồng, có khả năng về sức khỏe, kiến thức trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng tư vấn, hỗ trợ, ổn định tâm lý cho nạn nhân; khả năng kết nối các nguồn lực và tham gia tự nguyện, tự giác giúp đỡ người bị bạo lực.

Họ có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới ngay tại buôn thông qua việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân như: tạm lánh, chăm sóc y tế; tư vấn tâm lý, pháp luật cơ bản; hỗ trợ chuyển tuyến…

Ngoài ra, 6 tháng/lần, Ban điều hành sẽ tổ chức tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; hôn nhân và gia đình; các chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em và tổ chức hoạt động như: nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi vì an toàn cho phụ nữ và trẻ em; văn hóa, văn nghệ, giao lưu, thăm hỏi khi ốm đau; tự giúp nhau trong thành viên mô hình hoặc hỗ trợ cộng đồng…

Ra mắt Ban điều hành "Địa chỉ tin cậy" tại buôn Knach (xã Buôn Triết, huyện Lắk).

Dù mới thành lập nhưng "Địa chỉ tin cậy" đã tiếp nhận trường hợp của chị H.H.B. (buôn Knach) thường xuyên bị chồng đánh đập khi uống rượu say nhưng không dám lên tiếng. Vừa qua, chị đã nhờ thành viên Tổ truyền thông cộng đồng tại buôn liên hệ với Ban chủ nhiệm "Địa chỉ tin cậy" để được hỗ trợ.

Hiện tại, Ban chủ nhiệm đã đến nói chuyện, giảng giải và chồng chị B. hứa không thực hiện hành vi bạo lực gia đình nữa. Tuy nhiên, để hạn chế sự việc tiếp tục tái diễn, Ban chủ nhiệm đã khuyên chị mạnh dạn lên tiếng, đến ngay "Địa chỉ tin cậy" nếu tiếp tục bị bạo lực gia đình để được giải quyết.

Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình này, mới đây Hội LHPN huyện Lắk cũng đã ra mắt mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” thứ hai tại buôn Buốc (xã Nam Ka).

Đối thoại trực tiếp giải quyết vướng mắc

Việc đối thoại về những chính sách thực hiện Dự án 8 được Hội LHPN huyện Lắk chú trọng phối hợp với các cấp hội cơ sở và cấp trên. Từ năm 2023 đến nay, hội đã phối hợp tổ chức hai buổi đối thoại tại xã Buôn Triết và Đắk Liêng cho hàng trăm lượt hội viên và người dân tại các địa phương.

Mới đây nhất vào tháng 9/2024, Hội LHPN huyện đã phối hợp với xã Buôn Triết tổ chức đối thoại với hội viên buôn Tung 3. Tại buổi đối thoại, người dân đã nêu lên một số ý kiến về: rà soát hộ nghèo; tiêu chí được xét thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; phát triển mô hình sinh kế phù hợp với phụ nữ dân tộc thiểu số đáp ứng điều kiện hoàn cảnh của hộ gia đình; bình đẳng giới và các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất...

Ngoài việc nắm bắt tâm tư, giải đáp kịp thời ý kiến của chị em, tại buổi đối thoại, Hội LHPN huyện và xã còn tuyên truyền về mục tiêu và nội dung các hoạt động của Dự án 8; qua đó giúp nhiều người dân địa phương hiểu thêm vai trò, trách nhiệm của mình để đồng hành cùng chính quyền địa phương và các cấp hội phụ nữ thực hiện tốt dự án này.

Chị Ngô Thị Bích (buôn Tung 3, xã Buôn Triết) bộc bạch: “Tham gia đối thoại, tôi và một số chị em đã nói lên tâm tư, nguyện vọng về phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, đề xuất thêm nguyện vọng vay vốn, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, lo cho con cái nhằm tránh những bất hòa, xích mích về kinh tế giữa vợ chồng. Những thắc mắc, kiến nghị của chúng tôi đã được đại diện các cấp hội phụ nữ trả lời trực tiếp, giúp thấu hiểu để yên tâm thay đổi bản thân, từng bước làm chủ hạnh phúc gia đình”.

Hội viên Hội LHPN xã Đắk Liêng nêu ý kiến đối thoại với Hội LHPN huyện Lắk.

Bà Nguyễn Thị Bích, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lắk cho biết, "Địa chỉ tin cậy" và đối thoại trực tiếp các chính sách là những nội dung quan trọng của Dự án 8. Thời gian qua, những nội dung này đã được hội tích cực phối hợp với các cấp hội cơ sở triển khai thực hiện mang lại hiệu quả bước đầu.

Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp hội cơ sở nhân rộng các mô hình "Địa chỉ tin cậy"; tổ chức hội nghị đối thoại chính sách đến các thôn, buôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để phát huy một cách sâu rộng và hiệu quả hơn nữa Dự án 8.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.