Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (3)

16:45, 11/10/2024

7. Cử tri phản ánh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 1.526 hộ - 7.109 nhân khẩu là dân di cư tự do, chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú. Đa số các hộ và nhân khẩu trên chưa có nơi ở hợp pháp (làm nhà ở sinh sống trên đất rừng, đất lâm nghiệp, đất sang nhượng trái phép…). Đề nghị quan tâm, xem xét có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho các dự án ổn định dân di cư tự do đã được phê duyệt, để địa phương sớm sắp xếp ổn định đất ở, đất sản xuất cho số dân di cư tự do đáp ứng điều kiện về chỗ ở hợp pháp để được đăng ký thường trú, ổn định cuộc sống.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trả lời: Ngày 1/3/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, trong đó Chính phủ giao nhiệm vụ Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn UBND, công an các địa phương về đăng ký thường trú, tạm trú cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện, thủ tục theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công an các địa phương trong công tác đăng ký, quản lý cư trú đối với các hộ dân di cư tự do, nhất là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên.

Do vậy, Bộ NN&PTNT trân trọng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ người dân di cư tự do trên địa bàn được đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật.

Đối với việc hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đối với các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền tại Công văn số 9019/BNN-KTHT ngày 22/12/2020 (trong đó đề nghị từ nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Đắk Lắk là 523 tỷ đồng).

Ngày 15/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đã bố trí 248,54 tỷ đồng cho các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, năm 2022, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk 75 tỷ đồng để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư trong năm 2023 tại Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 31/12/2022.

Trên cơ sở các nguồn vốn đã giao cho tỉnh, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai thực hiện hoàn thành dứt điểm các dự án, không để tồn đọng các dự án dở dang sang giai đoạn sau năm 2025; đồng thời, tổ chức thực hiện việc bố trí sắp xếp các hộ dân di cư tự do thuộc các dự án đã được đầu tư vào các điểm dân cư theo quy hoạch được duyệt để người dân yên tâm ổn định cuộc sống theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP là đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do.

Đối với các dự án chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn theo tổng mức đầu tư được duyệt, đề nghị tỉnh Đắk Lắk rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí trong tổng số vốn đã giao cho tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 theo quy định của Luật Đầu tư công để triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả đầu tư, sớm ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân di cư tự do trên địa bàn.

Đời sống của người dân di cư tại xã Cư Kbang, Ea Súp còn nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Thành
Đời sống của người dân di cư tự do tại xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) còn nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Thành

8. Cử tri đề nghị xem xét bổ sung giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và kiểm lâm viên vào danh mục nghề độc hại, nặng nhọc, đồng thời có chính sách phù hợp hỗ trợ đối tượng làm việc trong ngành, nghề này yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành, nghề.

Bộ GD-ĐT trả lời: Đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, Bộ Luật Lao động đã quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu; những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định. Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cũng như viên chức và người lao động thực hiện theo quy định này.

Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ LĐ-TB&XH bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo viên mầm non (Công văn số 6586/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 15/12/2022 góp ý dự thảo Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) để có căn cứ đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non so với quy định.

Hiện tại, dự thảo Luật Nhà giáo (Bộ GD-ĐT được giao nhiệm vụ xây dựng) đăng tải trên cổng thông tin Bộ GD-ĐT và cổng thông tin Chính phủ đã đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định hiện nay.

Đối với kiểm lâm viên, theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì kiểm lâm viên trực tiếp quản lý và bảo vệ rừng thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 5367/QĐ-BNN-PC ngày 18/12/2023 về Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024, trong đó có kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp, đánh giá, nghiên cứu đề xuất chính sách, chế độ cho kiểm lâm nhằm tháo gỡ khó khăn, động viên khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực trong công tác bảo vệ rừng theo Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triẻn rừng, xây dựng dự thảo Nghị định và lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; theo đó, dự thảo Nghị định đã quy định chính sách, chế độ đối với kiểm lâm.

Lan Anh (tổng hợp)

(Còn nữa)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.