Multimedia Đọc Báo in

Chuyện vùng rốn lũ quê tôi

08:06, 17/11/2024

Quảng Bình quê tôi có niềm tự hào là “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” với những cánh đồng chiêm trũng thẳng cánh cò bay. “Hai huyện” ở đây là Lệ Thủy và Quảng Ninh, là vựa lúa lớn nhưng cũng là rốn lũ hằng năm.

Con sông “nghịch hà” và vùng rốn lũ

Nguyên nhân là sông Kiến Giang ở Lệ Thủy bắt nguồn từ dãy Trường Sơn nhưng dòng chảy có nhiều khác biệt so với các con sông ở Việt Nam.

Đó là sông không đổ ngay ra biển hướng Đông Nam như các con sông khác mà chảy song song với bờ biển ngược ra hướng Bắc, gặp sông Long Đại ở huyện Quảng Ninh rồi cả hai nhập vào sông Nhật Lệ ở Đồng Hới đổ ra biển (nên sông Kiến Giang có biệt danh là “nghịch hà”). Vì thế khi có mưa lớn, nước sông Kiến Giang bị ứ lại, dâng cao, tạo nên túi nước khổng lồ gây ngập lụt cho hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những trận lụt. Thường sau khi kết thúc vụ mùa (đầu tháng 9) là bước vào mùa mưa bão, đồng tích nước trắng xóa. Gặp áp thấp nhiệt đới hoặc bão là nước lên, tràn vào làng. Năm nào quê tôi cũng có ít nhất 1 trận lụt; có năm 2 trận, cách nhau thường mươi ngày, nửa tháng; cũng có khi vài ba ngày (lụt chồng lụt), tùy thuộc các đợt mưa lớn thưa hay dày. Bình thường thì nước chỉ vào sân, hoặc ngoài đường. Khoảng 2-3 năm có một trận lụt to, nước vào nhà ngập nửa mét đến 1 m. Trước mặt làng tôi là cánh đồng, còn sau lưng là con hói (sông nhỏ), một nhánh xương cá của sông mẹ Kiến Giang, vì thế lụt về là bốn bề mênh mông nước.

Những người cao tuổi trong làng tôi thường nhắc đến trận lụt lịch sử năm 1950, nước ngập tới nóc nhà, nhà cửa trôi, đổ rất nhiều, vì hồi đó dân nghèo chủ yếu nhà lá. Trận lụt năm 1979 cũng được coi là “lịch sử”, lúc đó nhà tôi nước lên gần tới “tra” (phần trần nhà ở gian giữa của căn nhà ba gian, được lát bằng những tấm gỗ dày tới nửa tấc), heo gà chết, đồ đạc trôi hết. Trận lụt năm 1979 còn được làm mốc để so sánh mức độ trận lụt năm 2020 (nước ngập sâu hơn từ 1-1,5 m so với năm 1979), cũng là trận lụt lịch sử mà hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh là rốn lũ, được đồng bào cả nước dồn sức cứu trợ, quan tâm lo lắng.

Xóm làng quê tôi chìm trong nước lũ mùa lụt. Ảnh: Báo Quảng Bình

Sống chung với lũ

Năm nào cũng bị 1-2 trận lụt nên người dân quê tôi học cách để thích ứng. Theo kinh nghiệm, thông thường nước lụt ngập nền nhà từ 1-1,5 m, nên khi nước vào nhà, họ buộc một cái sàn cách nền nhà khoảng 2 m để kê đồ và nhốt heo gà vịt, còn người thì lên “tra”. Thường ngày “tra” dùng để làm kho lúa, cất các đồ đạc giá trị. Lúc lụt to cả nhà lên “tra” ăn ở, nước lụt không mấy khi ngập tới “tra”. Gạo, củi, thực phẩm chuẩn bị sẵn sàng từ trước. Thực phẩm chủ yếu cá khô, mắm cá, mắm ruốc, ớt bột, muối lạc, muối vừng, bí đỏ, bí xanh; ăn vặt thì có bắp rang, khoai kẹo (khoai deo)… Cộng với đồ tươi ngày lụt thường có cá, chim, chuột, ếch, chuối xanh, măng tre bị đổ gãy… nên phần thực phẩm cũng tạm ổn.

Cuộc sống trên “tra” không thể thiếu cái cái bếp nấu. Bếp được làm bằng khung gỗ vuông, phía dưới lót một lớp cây chuối và phủ đất ướt để cách nhiệt với sàn gỗ. Bếp nấu và đồ ăn thức uống đặt ở phần sàn thấp hơn cạnh “tra”, gần “khu đị” (phần tam giác giữa mái trước và mái sau, ngay phía trên mái chái bếp) để thông khói. Ngoài ra có một cái thang để xuống sàn cho heo, gà ăn, làm các việc dưới nhà hay xuống “bối” (bè chuối) đi ra ngoài… Với kiểu nhà có “tra” này, người dân quê tôi ung dung đón tiếp các trận lũ lụt hằng năm; vì vậy hầu hết các nhà phấn đấu tích cóp làm cho được căn nhà gỗ ba gian chắc chắn có “tra”.

Còn khi nước lụt bắt đầu rút là cả một núi công việc: nước rút xuống đến đâu là tát nước rửa bùn nổi đến đó; thu dọn rác rều; lợi dụng khi nước còn ngập sâu mượn thuyền ra mấy cồn đất cao lấy đất về tôn sân, nền nhà cho năm sau bớt ngập. Rồi phải gia cố lại nền nhà, móng nhà bị lở do ngâm nước, sóng đánh, vì hồi đó gạch đá, xi măng rất hiếm nên nền nhà, móng nhà chỉ là đất được đầm, nện kỹ. Ngày ấy hầu hết các nhà đều làm phên đất, chỉ những nhà khá lắm mới thưng ván, nước ngâm khoảng 2 ngày là phên đất rã ra, nên phải nhào rơm với đất trát lại khoảng phên bị rã... “Sống chung với lũ” không còn ở trong thành ngữ nữa mà chính là cuộc sống thực của người dân vùng rốn lũ quê tôi. Cũng không thể phủ nhận điều này: nhờ có lụt mà vựa lúa hai huyện mới luôn tươi tốt!

Quê tôi giờ đã khang trang, là điển hình của nông thôn mới toàn tỉnh; nhà nhà đều xây dựng kiên cố, nhiều nhà khá xây 1-2 lầu, còn lại thì cũng xây gác lửng chắc chắn để chung sống cùng lũ lụt. Nếu nước có dâng cao thì nhà thấp tá túc nhà cao. Nấu nướng đã có bếp gas; sắm thuyền sắt gọn nhẹ để di chuyển; dùng giàn giáo để kê tivi, tủ lạnh… Tuy nhiên, nếu ngập sâu, nước chậm rút, phải cúp điện lâu, lương thực thực phẩm cạn thì thật vất vả, đặc biệt là các trường hợp ốm đau khi mà bệnh viện cũng bị ngập!

Cầu mong mưa thuận gió hòa, để vùng rốn lũ quê tôi được bình yên trong mỗi mùa mưa bão…

Dương Thế Hoàn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Bài cuối: Tiếp thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo
Công tác giảm nghèo của tỉnh đã nhận được hỗ trợ to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đã tiếp thêm nguồn lực để chăm lo đời sống cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống.