Multimedia Đọc Báo in

Hội thi Tìm hiểu pháp luật lĩnh vực công tác dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2024:

Truyền thông nhiều cách làm hay về tháo gỡ khó khăn trong công tác dân tộc

09:59, 15/11/2024

Hội thi Tìm hiểu pháp luật lĩnh vực công tác dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2024 diễn ra ngày 13/11 vừa qua đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất là phần thi tiểu phẩm tuyên truyền.

Các đội thi đã mang đến nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay nhằm tháo gỡ những khó khăn, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi tư duy, phát huy hiệu quả việc thực hiện các chính sách dân tộc.

Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là đề tài được nhiều đội thi khai thác trong phần thi tiểu phẩm tuyên truyền. Có thể kể đến các tiểu phẩm như “Học xong rồi cưới” của đội thi huyện Ea Kar, “Tôi đã hiểu” của đội thi huyện Buôn Đôn…

Chị H’Bép Kla, Đội trưởng đội thi huyện Buôn Đôn chia sẻ, thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cùng hệ thống chính trị ở cơ sở đã tăng cường các giải pháp tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều vùng DTTS, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn còn âm ỉ và để lại nhiều hệ lụy đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

Tiểu phẩm của đội đã thể hiện rõ thông điệp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý của bà mẹ, trẻ em và chất lượng giống nòi.

Qua đó chuyển tải phương châm, cách làm của địa phương trong việc kiên trì vận động, sâu sát với địa bàn dân cư để kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân vùng DTTS về các quy định pháp luật, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để bà con yên tâm phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái học hành.

Tiểu phẩm "Nghèo quen rồi, thoát nghèo sợ không quen” của đội thi huyện Krông Búk.

Xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng là một trong những nội dung được nhiều đội thi khai thác. Tiểu phẩm “Nghèo quen rồi, thoát nghèo sợ không quen” của đội thi huyện Krông Búk đã thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thay đổi nhận thức của các hộ nghèo vùng DTTS. Các hoạt động hỗ trợ về con giống, cây giống, mô hình sản xuất cho hộ nghèo muốn phát huy được hiệu quả cần có sự quan tâm, theo dõi thường xuyên của cán bộ phụ trách; thu hút, tập hợp người dân tham gia vào các tổ chức hội, qua đó làm tăng trách nhiệm của từng cá nhân. Từ đó, tiếp thêm động lực để các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một thực trạng khác xảy ra ở một số địa phương vùng DTTS là việc người dân bị cám dỗ bởi cái bẫy “việc nhẹ lương cao”, bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ đi làm việc ở nước ngoài và sa vào các đường dây mua bán người. Đây là một trong những đề tài sân khấu hóa dựa trên những sự việc, câu chuyện có thật đã xảy ra tại địa phương.

Đội thi huyện Ea Súp đoạt giải Nhất hội thi.

Chị Nguyễn Thị Hương, thành viên đội thi huyện Ea Súp chia sẻ, tiểu phẩm “Con dại cái mang” của đội thi huyện Ea Súp đã vạch rõ thủ đoạn, phương thức của các đối tượng tội phạm nhắm vào người dân vùng DTTS. Khi có người thân bị lừa bán qua biên giới, không ít gia đình đã khốn đốn vì bị đòi tiền chuộc nhưng cũng không ít người đã quay lại lừa chính người thân, người quen của mình. Chính vì thế, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần đề cao cảnh giác và tố giác ngay khi phát hiện những biểu hiện nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài.

Trải qua 4 phần thi, 15 đội tham gia Hội thi Tìm hiểu pháp luật lĩnh vực công tác dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2024 đã thể hiện sự am hiểu về công tác dân tộc và các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân vùng đồng bào DTTS; các chương trình, dự án, chính sách đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích cho các đội tham gia hội thi. Đội thi huyện Ea Súp đoạt giải Nhất; đội thi huyện Cư M’gar và đội thi huyện Krông Năng đoạt giải Nhì; các đội thi: huyện Krông Ana, huyện Ea H’leo, huyện Lắk cùng đoạt giải Ba.

Tương tự, tiểu phẩm “Căn nhà mới” của đội thi huyện Krông Ana cũng được xây dựng dựa trên một số trường hợp bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài hoặc bị ép làm việc trong những quán karaoke trá hình.

Chị H’Ban Niê Kdăm, Đội trưởng đội thi huyện Krông Ana cho biết, để xây dựng kịch bản tiểu phẩm dự thi, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp cùng Công an huyện gặp gỡ, nắm bắt cụ thể các trường hợp người dân vùng DTTS từng bị lừa đảo và được các lực lượng chức năng giải cứu.

Thông qua các câu chuyện người thật việc thật ấy, tiểu phẩm cũng thể hiện nỗ lực của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc thực hiện các chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất… cho đồng bào DTTS thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS  và miền núi.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc