Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

08:12, 07/11/2024

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện và giải quyết tốt chế độ, chính sách cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám, chữa bệnh (KCB) được chú trọng.

Đến cuối tháng 9 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk có 1.724.046 người tham gia BHYT; trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 2.343.618 lượt người KCB BHYT, tăng 238.575 lượt so với cùng kỳ năm 2023 với tổng chi phí thanh toán là 1.353 tỷ đồng (tăng 273 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, KCB ngoại trú là 2.091.285 lượt, chi phí 537,6 tỷ đồng và nội trú 252.333 lượt, chi phí 815,5 tỷ đồng. Ngành bảo hiểm và y tế đã tăng cường phối hợp chặt chẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để bảo đảm quyền lợi KCB cho người có thẻ BHYT.

Theo Sở Y tế, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư nguồn lực, không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm đủ điều kiện cung ứng dịch vụ cho người bệnh một cách tốt nhất. Chất lượng KCB cho các đối tượng tham gia BHYT không ngừng được nâng lên, người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận lợi hơn.

Bác sĩ Trung tâm y tế huyện M'Drắk khám, điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế.

Các cơ sở y tế đã chú trọng cải tiến quy trình khám bệnh, các thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí BHYT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm kê đơn thuốc điện tử, phần mềm tương tác thuốc; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; đồng thời sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh và các buồng bệnh. Cùng với đó, hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng các quy định của Bộ Y tế; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao được sử dụng để điều trị cho người tham gia BHYT đã được quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn; danh mục thuốc và vật tư y tế thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT ngày càng được mở rộng, trong đó có cập nhật nhiều thuốc mới.

Các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. Ngoài ra, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, các cơ sở y tế đã sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số và Căn cước công dân trong KCB BHYT, phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông điện tử dữ liệu BHYT.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh thăm hỏi, động viên bệnh nhân bảo hiểm y tế điều trị tại Bệnh viên Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Hiện nay, người tham gia BHYT KCB ở bệnh viện công và bệnh viện tư đều được quỹ BHYT thanh toán chi phí theo quy định. Hầu hết các cơ sở y tế công lập có chức năng KCB đều tham gia ký kết hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH. Số lượng cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT tăng dần qua từng năm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 225 cơ sở KCB BHYT, trong đó tuyến tỉnh là 8 cơ sở (1 cơ sở ngoài công lập), tuyến huyện là 32 cơ sở (13 cơ sở ngoài công lập), tuyến xã là 185 cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều chính sách về quyền lợi cũng được mở rộng với mức thanh toán từ 80-100% chi phí KCB khi người bệnh đi đúng tuyến; việc thông tuyến KCB BHYT cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn, chính sách BHYT ngày càng phát triển, hoàn thiện, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia và thụ hưởng, đóng góp quan trọng và thiết thực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Trong thời gian qua, với việc bảo đảm quyền lợi cho KCB cho người tham gia BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT không ngừng tăng lên, tiến tới BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.