Nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động
Năm 2024, trong điều kiện tình hình lao động, việc làm còn nhiều khó khăn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã không ngừng đẩy mạnh các biện pháp kết nối cung - cầu lao động, thúc đẩy giải quyết việc làm, hạn chế tỷ lệ thất nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số kết nối việc làm
Với mục tiêu kết nối một cách tốt nhất cung - cầu giữa người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động, từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra đến nay, bên cạnh hình thức kết nối việc làm truyền thống như tổ chức phiên giao dịch việc làm thường kỳ 15 hàng tháng, các phiên giao dịch lưu động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương trong toàn tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đắk Lắk đã đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ, số hóa trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động… nhằm giúp người lao động trên đia bàn tỉnh nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho các DN.
Tư vấn việc làm cho thanh niên tại Ngày hội việc làm năm 2024 tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo đó, Trung tâm DVVL Đắk Lắk đã chủ động tổ chức, tham gia các phiên giao dịch việc làm online, phỏng vấn lao động xuất khẩu trực tuyến thông qua website, các trang mạng xã hội facebook, zalo, mã QR… do đơn vị quản lý.
Website Trung tâm DVVL Đắk Lắk với tên miền vieclamdaklak.net có 47.980.100 người truy cập, được nâng cấp, đổi mới, các danh mục được thiết kế tinh gọn, dễ nhìn. Với lượng truy cập mỗi ngày trung bình đạt khoảng 1.000 lượt, website là kênh kết nối hiệu quả, tăng khả năng tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của DN.
Trung tâm dành vị trí "vàng" trên website đăng thông báo việc làm mới nhất và ứng viên mới nhất để người tìm việc và đơn vị (DN) cần người dễ dàng tìm gặp nhau; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường lao động, việc làm với các vị trí việc làm trong nước, chương trình xuất khẩu lao động và du học.
Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp tới người lao động và DN thông tin về xu hướng của thị trường lao động; những ngành, nghề nổi bật hiện nay; hướng dẫn cách viết hồ sơ ứng tuyển; kỹ năng trả lời phỏng vấn…
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tư vấn việc làm cho người lao động thị xã Buôn Hồ. |
Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm cho biết, thông qua website của Trung tâm, các DN có thể tự đăng tải nhu cầu tuyển dụng lao động, ngược lại người lao động cũng có thể trực tiếp đăng tải hồ sơ ứng tuyển của mình. Các thông tin được Trung tâm kiểm tra, giám sát nhằm tăng độ chính xác, độ bảo mật trước khi đăng tải công khai trên website.
Thông qua các nền tảng số, tỷ lệ người lao động của tỉnh tìm kiếm được việc làm mới phù hợp ngày càng cao. Năm 2024, Trung tâm chủ trì và phối hợp với các đơn vị tổ chức 86 hoạt động giao dịch việc làm cố định, lưu động, trực tuyến kết nối trong tỉnh và tới các tỉnh bạn; tư vấn việc làm, nghề nghiệp, các chế độ chính sách cho 46.900 lượt người, vượt 46,56%. Trong đó, tư vấn gián tiếp qua điện thoại, website, zalo, facebook,… cho 11.590 lượt người; đã giới thiệu việc làm cho 8.210 lượt người, vượt 2,63% kế hoạch. Kết quả 2.530 người có việc làm sau khi giới thiệu, vượt 5,42%.
Mở rộng tìm kiếm việc làm ngoài nước
Xác định đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài giúp người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững, năm 2024 Trung tâm DVVL Đắk Lắk đẩy mạnh tổ chức phiên các giao dịch việc làm, hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Đặc biệt, phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, M'Drắk, Lắk, Cư Mgar, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ tổ chức chương trình tuyên truyền, tư vấn chuyên sâu về XKLĐ cho 3.590 lượt người có nhu cầu và tìm hiểu về thị trường lao động ngoài nước, góp phần hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ của tỉnh.
Điểm khác biệt của chương trình tư vấn chuyên sâu là tất cả thông tin được phổ biến bằng tiếng Kinh và tiếng mẹ đẻ (Êđê) nên rất đông bà con tham gia, chăm chú lắng nghe, bày tỏ nhiều điều băn khoăn, chưa rõ khi tham gia XKLĐ và đều được đại diện cơ quan có trách nhiệm giải đáp, hướng dẫn.
Người lao động thị xã Buôn Hồ tìm hiểu thông tin việc làm tại Ngày hội việc làm năm 2024. |
Ông Y Hoan K'Sơr, Trưởng buôn M’Lốc B (xã Krông Jing, huyện M'Drắk) cho biết, trong buôn có một số thanh niên muốn ra nước ngoài làm việc, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, liên hệ với đơn vị nào để được XKLĐ. Bà con xem trên mạng Internet thấy có người lao động bị lừa, bị đánh đập khi ra nước ngoài làm việc nên không muốn cho con em đi làm ăn xa. Một số bà con khác lại không đủ tiền lo các khoản chi phí trước khi XKLĐ. Hôm nay, được nghe cán bộ lao động, việc làm của tỉnh, của huyện tư vấn, giải đáp rõ ràng, cặn kẽ bà con yên tâm
Năm 2025, Trung tâm DVVL Đắk Lắk phấn đấu tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho khoảng 40.000 lượt người (trong đó: tư vấn chuyên sâu về XKLĐ 4.000 - 5.000 lượt người); giới thiệu việc làm cho khoảng 8.400 người; phấn đấu số người có việc làm sau giới thiệu khoảng 2.500 người. |
Kết thúc hoạt động tuyên truyền, tư vấn việc làm tại 25 buôn có 365 người lao động quan tâm, tìm hiểu việc làm, có mong muốn được đi XKLĐ để có mức lương cao. Đến nay, có 17 người đăng ký đi XKLĐ, trong đó 5 lao động người DTTS của huyện M’Drắk, Krông Bông đã hoàn thiện hồ sơ nhập học tại TP. Hồ Chí Minh để sang Nhật Bản làm việc sau khi được Trung tâm DVVL tỉnh hỗ trợ làm Lý lịch tư pháp và phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) hỗ trợ làm hộ chiếu phổ thông nhanh chóng, thủ tục đơn giản nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết trước khi tham gia XKLĐ.
Để đa dạng thị trường lao động cho người lao động của tỉnh lựa chọn, trong năm 2024 Trung tâm DVVL Đắk Lắk chủ động liên kết với các đơn vị, DN XKLĐ uy tín được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép đưa người lao động đi làm việc tại thị trường Rumani, Ba Lan, Algeria bên cạnh các thị trường lao động truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Đối với thị trường Algeria, đầu tháng 8/2024, Trung tâm phối hợp với Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế Thắng Lợi (Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) lần đầu tiên tổ chức phỏng vấn, kiểm tra tay nghề ngay tại Trung tâm nằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, giảm chi phí đi lại, ăn ở, tăng cơ hội đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp sớm ổn định cuộc sống.
Với những nỗ lực trên, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu XKLĐ, đơn vị đã đạt và vượt mức, góp phần hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ của tỉnh. Trong số 2.530 người có việc làm sau khi giới thiệu, có 804 lao động ra nước ngoài làm việc.
Nguyên Thắm
Ý kiến bạn đọc