Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ “con bò hỗ trợ sinh kế”

09:06, 27/11/2024

Nhờ phát huy hiệu quả hoạt động của nhóm cộng đồng, những “con bò hỗ trợ sinh kế” từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình 1719) đã mang lại nhiều niềm vui cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Đến thăm bà H’Bliêng Byă (buôn Ea Đrai A, xã Tân Tiến), ai ai cũng có thể nhận thấy rõ niềm vui khi bà hân hoan kể chuyện nuôi bò. Vốn không biết chữ lại ít khi đi xa, nhưng được sự động viên của cán bộ xã, cuối năm 2023, bà cùng các hộ thuộc diện nhận bò từ Chương trình 1719 đã đến tận huyện Ea Súp để lựa chọn con bò ưng ý. Con bò nhanh chóng được đánh số, rồi giao tận tay bà con ngay tại buôn làng.

Bà H'Bliêng Byă chia sẻ niềm vui về việc phát triển chăn nuôi bò từ hỗ trợ của Chương trình 1719.

Với kiến thức học được từ lớp dạy nghề chăn nuôi bò do huyện tổ chức, bà H’Bliêng không chỉ biết bảo đảm về chế độ ăn như cỏ tươi, pha thêm nước muối loãng cho bò uống mà còn biết tự tay tiêm thuốc bổ để giúp bò tăng sức đề kháng. Đầu tháng 10 vừa qua, bò mẹ đã sinh một bê cái khỏe mạnh. Đây sẽ là nguồn động lực lớn để gia đình bà nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

 
Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3, Chương trình 1719, đến nay, huyện Krông Pắc đã triển khai hỗ trợ 327 con bò giống cho 327 hộ nghèo và cận nghèo; 48 con dê giống cho 8 hộ nghèo và cận nghèo tại các xã: Ea Hiu, Ea Uy, Ea Yiêng, Tân Tiến, Ea Phê, Vụ Bổn và Krông Búk với tổng kinh phí 7,64 tỷ đồng.

Không riêng bà H’Bliêng, cả 20 hộ nhận bò từ Chương trình 1719 ở buôn Ea Đrai A đều chăm sóc tốt bò giống với nhiều con đang mang thai. Anh Y Sa Kô Byă, Trưởng buôn Ea Đrai A cho hay, ngay sau khi nhận bò, cả 20 hộ đều tham gia nhóm cộng đồng để cùng động viên, giúp đỡ nhau trong quá trình chăm sóc. Bà con tự theo dõi nhau và cùng khích lệ tinh thần thi đua phát huy hiệu quả nguồn sinh kế do nhà nước hỗ trợ.

Với vai trò là nhóm trưởng, anh Y Sa Kô cũng thường xuyên kiểm tra, động viên bà con, báo cáo tình hình chăn nuôi đến ban quản lý của xã định kỳ mỗi tháng. Qua hiệu quả thấy rõ của mô hình, nhiều hộ nghèo ở buôn Ea Đrai A từ chỗ ngần ngại đã mạnh dạn đăng ký nhận bò hỗ trợ năm 2024 để quyết tâm thoát nghèo.

Gia đình anh Wơn phát triển chăn nuôi bò từ hỗ trợ ban đầu của Chương trình 1719.

Chung niềm vui phát huy hiệu quả bò giống, gia đình anh Wơn (buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng) đã phấn đấu thoát nghèo trong năm 2024. Với quyết tâm “không thể nghèo mãi được”, anh đăng ký nhận bò hỗ trợ từ Chương trình 1719, học lớp sơ cấp nghề chăn nuôi bò để cải thiện thu nhập.

Anh cũng được đưa đến trang trại bò ở huyện Ea Kar để lựa chọn con bò lai ưng ý và tham gia nhóm cộng đồng của buôn Kon Wang. Sau khi nhận bò của nhà nước, gia đình anh cũng góp tiền mua thêm một con bò giống nữa. Đến nay, cả hai con bò đều sinh trưởng tốt và chuẩn bị phối giống.

Anh Wơn cho hay, việc phát triển chăn nuôi bò rất thuận lợi nhờ có nguồn cỏ tự nhiên dồi dào và tận dụng được rơm khô sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Bước đầu thực hiện mô hình, anh còn có thêm nguồn phân chuồng để chăm sóc, cải tạo vườn cà phê.

Do đó, cả gia đình anh rất trân trọng nguồn hỗ trợ ý nghĩa này và nỗ lực cùng các hộ khác trong nhóm cộng đồng ứng dụng tốt các kiến thức kỹ thuật đã được học, sớm phát triển quy mô đàn bò toàn buôn.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sản xuất bền vững, tăng giá trị cà phê Krông Năng
Trong những năm gần đây, huyện Krông Năng triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển cà phê bền vững. Trong đó, Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (còn gọi là Compact Krông Năng) đã làm thay đổi nhận thức của người dân, hướng đến sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm.