Multimedia Đọc Báo in

Nữ chi hội trưởng giàu lòng nhân ái

08:18, 04/11/2024

Người dân buôn Ja Rai, xã Ea Kuếh (huyện Cư M’gar) đều quý mến chị H’Ksơr Kneh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn vì tấm lòng nhân ái và nhiệt tình trong công tác hội.

Chị H’Ksơr, dân tộc J'rai, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai). Năm 1995, gia đình chị định cư và phát triển kinh tế ở xã Ea Kuếh. Năm 2004, nhờ uy tín, hay giúp đỡ người dân, chị H’Ksơr được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Ja Rai. Chị H’Ksơr gần gũi, lắng nghe những tâm sự, mong muốn chính đáng của hội viên, nhất là về cách làm ăn để thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe….

Gia đình có tiệm tạp hóa nhỏ nên chị H’Ksơr thường tặng nhu yếu phẩm và thu mua nông sản của hội viên có hoàn cảnh khó khăn với giá hợp lý. Bên cạnh đó, vào những ngày lễ, Chi hội đều tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ giao lưu giữa cộng đồng các dân tộc trong buôn. Chi hội đã trở thành địa chỉ tin cậy để chị em có thể chia sẻ khó khăn, động viên, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.

Hằng năm, khi có các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, chị H’Ksơr đều triển khai đến tận hội viên. Năm 2010, Chi hội phát động xây dựng quỹ tương trợ, mỗi hộ khá thì góp 120.000 đồng, bản thân chị H’Ksơr đóng 6 triệu đồng, từ đó có nguồn vốn 12 triệu đồng không lãi, xoay vòng hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất.

Chị H’Ksơr Kneh (giữa) trao đổi với chị H’Duen Êban về hiệu quả phát triển kinh tế gia đình từ nguồn quỹ tương trợ.

Từ nguồn quỹ tương trợ, vận dụng các kiến thức từ lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, chị H’Duen Êban (SN 1984, là hộ khó khăn nhất của chi hội) đã mạnh dạn mua bò sinh sản, chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, gia đình chị H’Duen có đàn bò gần 20 con, cùng hơn 1 ha cà phê, xen canh sầu riêng, hằng năm thu nhập gần 200 triệu đồng… Với sự trợ lực từ quỹ tương trợ cũng nỗ lực vươn lên của các hội viên, từ 74 hội viên đều là hộ nghèo, đến nay, chi hội chỉ còn 8 hộ nghèo.

Năm 2006, trên địa bàn có một bé trai 8 tuổi, không nơi nương tựa, chưa làm giấy khai sinh, chị bàn với chồng nhận về làm con nuôi và đặt tên là Ksơr Đức. Đến nay Ksơr Đức đã trưởng thành, lập gia đình và có một bé gái đầu lòng kháu khỉnh.

Cảm mến vì tấm lòng nhân ái, năm 2017, gia đình anh Lê Xuân Nguyên (cùng ở buôn Ja Rai) đã cho con gái của mình là Lê Mai Anh nhận chị H’Ksơr Kneh làm mẹ nuôi và được đặt tên là Ksơr Lê Mai Anh.

Sự tận tâm với công việc, sự tận tụy hết lòng vì bà con buôn làng, chị H’Ksơr Kneh thường xuyên được nhận giấy khen của các cấp hội phụ nữ, cũng như MTTQ xã, huyện và hai lần được hiệp thương cử tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 và lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Ông Y Kuối RCăm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ea Kuếh nhận xét: “Chị H’Ksơr đã làm tốt vai trò cầu nối, tạo sự gắn bó mật thiết giữa các cấp ủy, chính quyền với người dân, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.