Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ cống hiến cho quê hương

08:39, 10/11/2024

Để xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới, tuổi trẻ tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực học tập, sáng tạo, đổi mới tư duy, nhận thức trên nhiều lĩnh vực, đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp.

Nâng giá trị cho nông sản địa phương

Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Phạm Thị Nga (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) đã mạnh dạn phát triển mô hình trái cây sấy.

Bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ năm 2021 với sản phẩm thơm sấy muối ớt và mãng cầu sấy muối ớt, chị Nga đã trải qua không ít khó khăn từ việc triển khai liên kết tìm nguồn nguyên liệu sạch với các chủ vườn, cải tiến quy trình sản xuất cho tới quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Chị Phạm Thị Nga và sản phẩm thơm sấy muối ớt.

Chị Nga chia sẻ: “Thấy tại địa phương có mãng cầu và thơm được nông dân trồng nhiều, chất lượng tốt nhưng bán quả tươi giá trị không cao mà nhà máy chế biến, bảo quản nông sản thì lại rất ít, đặc biệt là đối với trái cây nên tôi đã quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm này. Kỹ thuật sấy được tích lũy qua kinh nghiệm sản xuất và quá trình nghiên cứu, học hỏi, thử nghiệm, chấp nhận trả "học phí" từ những mẻ hàng hư, phải đổ bỏ. Riêng về chất lượng, tôi luôn lựa chọn kỹ lưỡng nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất, bảo đảm đưa đến người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất”.

Hiện nay, cơ sở sản xuất trái cây sấy dẻo của chị Nga đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị Nga tiêu thụ khoảng 18 tấn trái cây tươi, xuất bán ra thị trường hơn 1 tấn thành phẩm với giá từ 150.000 – 250.000 đồng/kg. Sản phẩm thơm và mãng cầu sấy muối ớt đang được phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng, chị Nga đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm một số mặt hàng như chùm ruột, hoa đu đủ, tinh bột nghệ, mật ong…

Sau 3 năm khởi nghiệp, chị Nga không chỉ cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần tiêu thụ một phần không nhỏ nông sản địa phương, mà còn tạo việc làm ổn định, thời vụ cho nhiều thanh niên ở địa bàn; tạo cảm hứng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp làm giàu từ chính tiềm năng của địa phương. Năm 2024, Dự án phát triển mô hình trái cây sấy tại địa phương của chị Nga là dự án duy nhất của tỉnh lọt vào vòng bán kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Tiên phong thực hiện chuyển đổi số

Anh Nguyễn Huy Hoàng, kỹ sư Điện tử viễn thông, Trung tâm Điều hành thông tin, VNPT Đắk Lắk là cá nhân duy nhất của đơn vị được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tôn vinh Người lao động tiêu biểu năm 2023.

Được giao nhiệm vụ theo dõi chất lượng mạng, bảo đảm vùng phủ sóng trên địa bàn và cập nhật dữ liệu trên hệ thống RIMS (Hệ thống quản lý tài nguyên mạng VNPT), anh Hoàng thấu hiểu những khó khăn chung của các kỹ thuật viên trong nghề. Vì vậy, anh dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu và xây dựng các giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất.

Anh Nguyễn Huy Hoàng được Tập Đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tôn vinh Người lao động tiêu biểu năm 2023 (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Năm 2023, anh Hoàng đã xây dựng hệ thống thu thập các thông số của các thiết bị và phụ trợ nhà trạm; chương trình quản lý nhà trạm thông minh (Smart BTS). Đây là giải pháp IoT (các hệ thống và dịch vụ được phát triển để kết nối và quản lý các thiết bị thông minh thông qua mạng Internet) giúp theo dõi, điều khiển toàn diện các thiết bị trong trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) của VNPT Đắk Lắk.

Hệ thống này có khả năng giám sát các thông số môi trường và hoạt động của các thiết bị, đồng thời phát hiện sớm các bất thường để đưa ra cảnh báo kịp thời; giúp người quản lý dễ dàng theo dõi tình trạng hoạt động của toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, hệ thống có thể tự động hóa các quy trình kiểm tra và điều chỉnh, giảm thiểu sự can thiệp thủ công, tăng tính hiệu quả và an toàn cho nhà trạm.

Giải pháp này đã giúp VNPT Đắk Lắk giảm thiểu rủi ro, giảm đáng kể nguồn nhân lực trực thường xuyên tại các BTS mà vẫn bảo đảm hoạt động xuyên suốt. Bên cạnh đó còn giảm số lần cần điều động nhân viên kỹ thuật đến trạm, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, nhất là đối với các trạm BTS ở khu vực xa hoặc khó tiếp cận.

Ngoài ra, anh Hoàng còn có nhiều giải pháp áp dụng hiệu quả cao trong công việc như xây dựng công cụ hỗ trợ chạy máy phát điện 5KW để bảo đảm độ khả dụng mạng lưới viễn thông; chế tạo và phối hợp thử nghiệm thành công thiết bị hỗ trợ công nghệ NB-IoT. Những giải pháp của anh góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần đưa doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

“Truyền lửa” cho thanh niên vùng biên giới

Là Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Ea Súp, chị Trần Thị Thúy đã triển khai các hoạt động, phong trào theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo được dấu ấn sâu đậm và sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội của vùng biên.

“Để có được kết quả cao trong hoạt động, cán bộ Đoàn phải đầu tàu gương mẫu, có trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn và luôn biết tìm tòi nghiên cứu, tích cực học tập. Trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tôi luôn hăng hái tham gia để đoàn viên, hội viên, thanh niên noi theo", chị Thúy bộc bạch.

Quan tâm, lắng nghe những nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên thanh niên, chị Thúy đã tham mưu đổi mới công tác tuyên truyền đến thanh niên vùng biên giới qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook…, lập các nhóm trao đổi thông tin để đoàn viên, thanh thiếu niên có thể chia sẻ, bày tỏ, đóng góp các ý kiến.

Chị Trần Thị Thuý tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Chị Thúy đã tham mưu triển khai các phong trào, các hoạt động tình nguyện, tuyên dương gương người tốt, việc tốt, vận động thanh niên tham gia các mô hình “Chi đoàn 3 không”, “Nói không với ma túy”, “Phiên tòa giả định”... để lan toả những hình ảnh, việc làm đẹp của thanh niên trong cộng đồng, giúp thanh niên tránh xa các tệ nạn xã hội, sống có ích, có trách nhiệm hơn với bản thân, với gia đình và xã hội. Từ đó tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Ở địa bàn vùng biên giới còn nhiều khó khăn, để tạo sân chơi bổ ích cho thanh thiếu nhi trong dịp hè, chị Thúy đã có sáng kiến tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho các em thông qua mô hình Trại hè với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích; rèn luyện kỹ năng sinh hoạt tập thể, sinh hoạt nhóm…

Không chỉ tạo sân chơi ý nghĩa, trại hè còn là nơi tập hợp, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ, đồng hành, vận động các nguồn lực để có thể cho các em nhỏ có một mùa hè vui khỏe, an toàn.

Qua nhiều lần tổ chức, mô hình không chỉ được chính quyền địa phương đánh giá cao mà còn nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, người dân trên địa bàn; trở thành hoạt động thường niên thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia mỗi dịp hè về.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.