Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo bánh tráng hạt kơ nia

07:13, 02/12/2024

Với mong muốn phát triển nghề làm bánh tráng mà gia đình mang theo từ Bình Định lên Đắk Lắk lập nghiệp, em Nguyễn Phạm Huyền Linh (lớp 12A1, Trường THPT Thực hành Cao Nguyên) đã mạnh dạn nghiên cứu và phát triển ý tưởng kết hợp bánh tráng truyền thống với hạt kơ nia.

Năm 2023, Huyền Linh bắt tay vào thử nghiệm sản phẩm. “Em chọn hạt kơ nia vì đây vốn là một loại nguyên liệu đặc sản của vùng Tây Nguyên, chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của con người", Linh chia sẻ.

Để tạo ra sản phẩm cần phải có hai nguyên liệu chính là gạo, hạt kơ nia và một số gia vị như muối, mè, nước cốt dừa… được xay trộn theo tỷ lệ nhất định. Linh kể: Ban đầu, em gặp khá nhiều khó khăn vì sản phẩm làm ra thường bị rách, chảy dầu, không dẻo…

Sau nhiều lần thất bại, em nhận ra trong hạt kơ nia có tới gần 70% là dầu khiến bánh không đạt chất lượng. Từ đó, em đã tiến hành tách dầu trong hạt bằng máy ép, sau đó đem xay nhuyễn, rang thơm và trộn vào bột gạo để cho ra được hỗn hợp có độ sánh vừa phải rồi mới mang đi tráng như bánh tráng truyền thống. Phải mất hơn một năm Linh mới có thể cho ra sản phẩm hoàn thiện và đạt chất lượng đưa đến tay khách hàng.

Em Nguyễn Phạm Huyền Linh (bên phải) giới thiệu sản phẩm bánh tráng hạt kơ nia với khách hàng.

Bánh tráng khi kết hợp với hạt kơ nia sẽ cho hương vị béo bùi, dậy mùi hạt kơ nia đã rang thơm. Toàn bộ sản phẩm được sản xuất thủ công với nguồn nguyên liệu hữu cơ, bao gồm hai loại là bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng với độ dày và tỷ lệ bột khác nhau.

Bắt tay vào kinh doanh, Huyền Linh tiếp tục gặp phải khó khăn trong việc cân bằng giữa thời gian học và làm cũng như tìm kiếm nguồn khách hàng. May mắn là em được giáo viên trong trường đồng hành và hỗ trợ hết mình.

Cô Phạm Thị Huyền Trang, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Thực hành Cao Nguyên chia sẻ: “Từ khi Linh có ý tưởng khởi nghiệp, tôi đã trao đổi và cho em lời khuyên để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sau khi có được sản phẩm hoàn thiện, tôi đã cùng em lên kế hoạch quảng bá trên nhiều nền tảng mạng xã hội, giới thiệu với bạn bè và trưng bày sản phẩm ở gian hàng tại các cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo trên địa bàn tỉnh nhằm tăng sự tiếp cận với khách hàng cũng như các nhà đầu tư để em có nguồn động lực tiếp tục phát triển sản phẩm”.

Đến nay, mỗi tháng Huyền Linh đưa ra thị trường khoảng 2.000 túi bánh tráng hạt kơ nia với giá bán 25.000 đồng/túi bánh tráng nhúng và 30.000 đồng/túi bánh tráng nướng (5 cái). Với sự độc đáo và sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp của em đã đoạt được nhiều giải thưởng như giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Đắk Lắk năm học 2023 - 2024; giải Nhì tại Cuộc thi Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm học 2023 - 2024…

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.