Hướng tới hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường học
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành giáo dục, những năm qua Trường Đại học Tây Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giúp học sinh, sinh viên (HSSV) tiếp cận với không gian giáo dục mở trong trường học.
Bắt nhịp lối sống xanh
Trong số 9 dự án, ý tưởng của hơn 30 HSSV tham dự Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Tây Nguyên năm 2024 vừa qua, có nhiều ý tưởng thú vị xuất phát từ mong muốn phát triển sản phẩm truyền thống địa phương hay tạo dựng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Dự án “Sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch từ phân voi” của nhóm sinh viên Khoa Chăn nuôi - Thú y là một trong những dự án độc đáo, sáng tạo được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao. Ý tưởng được thực hiện với mong muốn tạo dựng sản phẩm đặc trưng để thu hút khách du lịch đến với tỉnh Đắk Lắk thông qua tận dụng nguồn phân voi sẵn có tại Vườn Quốc gia Yok Don và Trung tâm Bảo tồn voi để tái chế thành giấy. Đi kèm với ý tưởng là hình thức du lịch tham quan quy trình làm giấy từ phân voi; kinh doanh quà lưu niệm được chế tạo bằng giấy làm từ phân voi (giấy, sổ tay, thiệp) qua kênh trực tuyến hoặc trực tiếp tại các khu du lịch…
Thí sinh giới thiệu sản phẩm của Dự án sáng tạo từ vải jeans cũ “Thời trang bền vững và tiện lợi” tại cuộc thi. |
Dự án “Xà phòng từ bã cà phê kết hợp dược liệu Tây Nguyên” của nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên cũng thú vị khi đem đến cuộc thi những chiếc bánh xà phòng hình bông hoa xinh xắn với mùi dược liệu đặc trưng. Em Nguyễn Thị Liên, sinh viên lớp Sư phạm Toán K22 chia sẻ, nhóm đã tận dụng bã cà phê (thường bị bỏ đi) từ quán cà phê kết hợp với dược liệu Tây Nguyên và kỹ thuật xà phòng hóa tạo ra bánh xà phòng để sử dụng hằng ngày. Cùng với đó là ý tưởng đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng từ 16 - 45 tuổi với các sản phẩm: son môi, sáp thơm; workshop xà phòng…
Nhóm thực hiện Dự án sáng tạo từ vải jeans cũ “Thời trang bền vững và tiện lợi” đã tạo ra những chiếc túi xách, ví xinh xắn, bắt mắt. Theo em Trương Ngọc Hà (Khoa Kinh tế), thành viên của nhóm thì dự án vừa giải quyết vấn đề môi trường (tái chế đồ cũ) vừa tạo ra sản phẩm thời trang sáng tạo; có thể áp dụng trực tiếp vào ngành công nghiệp thời trang, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững (có nguồn gốc tái chế). Ngoài ra, việc sản xuất túi xách, đồ dùng học tập từ vải jeans tái chế cũng có tiềm năng kinh tế lớn từ việc thu mua nguyên liệu đến quá trình chế tạo và tiếp thị.
Sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên thì đây là lần thứ năm trường tổ chức cuộc thi khởi nghiệp. Năm nay, trường đã tổ chức cho HSSV thi vòng loại trước đó để lựa chọn những dự án, ý tưởng xuất sắc, nhiều triển vọng vào vòng chung kết với sự dẫn dắt của giáo viên, giảng viên. Sự tổ chức bài bản đó đã tạo môi trường, sân chơi lý tưởng vừa học vừa nghiên cứu để HSSV thể hiện khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp.
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường học, thời gian tới nhà trường sẽ mời các doanh nhân thành công, các nhà đầu tư đến chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên; tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp; xây dựng câu lạc bộ khởi nghiệp nhằm tạo môi trường cho các bạn trẻ cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau…” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. |
Trong số 9 dự án tham gia cuộc thi có dự án “Bánh tráng Kơ nia” của nhóm học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên đã có sản phẩm bán trên thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận.
Em Nguyễn Phạm Huyền Linh (Lớp 12A1, Trường THPT Thực hành Cao Nguyên) tâm sự, đến với cuộc thi, các em có cơ hội trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm để chuyên nghiệp hơn trong khởi nghiệp và kinh doanh sản phẩm.
Thông qua cuộc thi em thấy rằng để sản phẩm tồn tại và phát triển cần phải hiện đại hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra, đồng thời có vùng nguyên liệu để phát triển bền vững. Các giám khảo cũng gợi ý thêm cho nhóm một số vấn đề như việc mở rộng sản xuất, gắn kết vùng nguyên liệu và cách thức tiếp cận thị trường...
Sản phẩm giấy của dự án “Sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch từ phân voi” thu hút sự chú ý của Ban giám khảo tại cuộc thi. |
Anh Phan Bảo Long, người sáng lập của BYE GROUP, thành viên Ban giám khảo cuộc thi chia sẻ, so với các lần thi trước thì năm nay các thí sinh có sự chuẩn bị chu đáo hơn; trong đó có một số ý tưởng mới khá độc đáo như: truyện tranh về giáo dục giới tính; sản phẩm làm từ phân voi… Tuy nhiên, để cuộc thi có chiều sâu thì các thí sinh cần có sự đầu tư nhiều hơn trong việc xây dựng ý tưởng, thực hiện ý tưởng và thể hiện ý tưởng nhằm quảng bá, giới thiệu dự án, sản phẩm với mục đích là kêu gọi được vốn góp của nhà đầu tư hiện thực hóa ý tưởng, dự án của mình.
Có thể thấy, cuộc thi là nơi các ý tưởng độc đáo được ấp ủ, được đánh giá và có cơ hội trở thành hiện thực. Ngoài học kỹ năng mềm, HSSV được mở rộng tầm nhìn, mối quan hệ trong và ngoài trường học; gặp gỡ, kết nối với những người có cùng đam mê, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà đầu tư; các em cũng có cơ hội nhận được đầu tư, tạo điều kiện để các dự án tiềm năng được tài trợ và phát triển.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc