Multimedia Đọc Báo in

“Khoảng trống” trong phân luồng giáo dục sau trung học cơ sở (Kỳ cuối)

08:19, 25/12/2024

Kỳ cuối: Đẩy mạnh hướng nghiệp hướng nghề

Truyền thông hướng nghiệp chưa sâu rộng đang là “lỗ hổng” trong công tác phân luồng giáo dục sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). Do đó, để phân luồng đạt mục đích, hiệu quả thì hướng nghiệp, hướng nghề là rất quan trọng.

Cung cấp thông tin đa chiều

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (lớp 1 đến lớp 9); định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến lớp 12). Năm học 2024 - 2025 là năm "phủ kín" Chương trình GDPT 2018; trong đó việc định hướng nghề nghiệp có hai hoạt động (trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương). Nội dung giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép vào nhiều môn học do nhiều giáo viên phụ trách với những hình thức khác nhau nhưng vẫn chưa có yêu cầu chuyên môn cụ thể nên khó có thể đạt hiệu quả cao.

Cô Phan Thị Bích Mười, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hiểu đúng và thực hiện đúng hướng nghiệp là vấn đề quan trọng đối với giáo dục bậc THCS để bảo đảm quyền lợi của học sinh. Hằng năm, nhà trường luôn cung cấp thông tin đa chiều về nghề nghiệp, năng lực học tập của học sinh, trong đó chú trọng đến học sinh lớp 9; việc quyết định "rẽ hướng" học nghề hay học THPT do phụ huynh và học sinh quyết định.

Học sinh Trường Trung cấp Tây Nguyên thực hành giao tiếp tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài.

Trên thực tế, công tác hướng nghiệp đem đến nhiều lợi ích: giúp phụ huynh hiểu về thực lực của con mình, tránh đặt nhiều kỳ vọng và thúc ép con cố gắng vượt quá khả năng; thúc đẩy giáo viên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để có bài giảng hay; yêu cầu học sinh chuyên tâm học tập để học THPT theo nhu cầu. 

Chị P.T.H.Y. (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) kể, năm học 2024 – 2025 con chị nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường THPT Hồng Đức gần nhà nhưng không trúng tuyển nên gia đình chọn cho con học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; sau khi tốt nghiệp THPT cháu cũng có thể theo học cao đẳng, đại học nếu muốn. Chị luôn đồng hành, ủng hộ con học nghề bởi thực tế cho thấy rất nhiều bạn trẻ sau khi học một nghề phù hợp đều có thể ra làm nghề rất tốt.

Hướng nghiệp theo chuỗi

Theo Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), giáo dục hướng nghiệp không đơn thuần là chọn học nghề hay học trường THPT sau khi tốt nghiệp THCS mà còn là vấn đề lựa chọn tổ hợp môn nếu đủ điều kiện học THPT. Điều này sẽ tác động đến chọn trường, chọn nghề sau này bởi ngành nghề hiện nay rất đa dạng, sau khi tốt nghiệp THPT các em có thể học nghề tại trường trung cấp, cao đẳng hay chọn ngành phù hợp. 

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho rằng, cần có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là Sở GD-ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để hướng nghiệp theo chuỗi, từ tư vấn, định hướng đến đào tạo nghề và vấn đề việc làm. “Hướng nghiệp phải hướng tới phụ huynh, học sinh mới đạt được mục tiêu của chương trình đào tạo và kỹ năng nghề nghiệp cần có; tránh việc các em không có sở thích, đam mê học nghề nhưng vẫn theo học cùng các bạn hay học cho… vui; từng bước khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ”, bà Trinh nhấn mạnh.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên tìm hiểu về sản phẩm STEM tại trường.

Ông Nguyễn Phước Cường, Giám đốc Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic - Tây Nguyên cho rằng, ở 14 – 15 tuổi các em chưa thể tự quyết việc học mà đa phần là phụ huynh quyết. Nhà trường đã lựa chọn ngành đào tạo phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu nghề nghiệp tại Đắk Lắk để tuyển sinh như: thiết kế đồ họa, thương mại điện tử, công nghệ thông tin. Các em có thể đi làm ngay sau khi ra trường; khởi nghiệp, làm chủ từ sớm với sự trợ giúp kinh tế từ gia đình; học lên đại học; du học…

Với đặc thù của địa phương, cũng có ý kiến cho rằng, khi sự phát triển kinh tế chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm nên chăng cần tính toán đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, mở thêm trường THPT để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh. Bởi số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh tăng dần từng năm theo mức tăng của dân số và biến động qua các năm với mức chênh lệch hàng nghìn học sinh nên thêm trường học sẽ bảo đảm quyền được học của các em.

Chưa kể, theo Chương trình GDPT 2018 thì bậc THPT có sự phân hóa cao nhưng việc tuyển giáo viên lại khó khăn nên nhiều môn học, tổ hợp môn mới chưa được triển khai như kỳ vọng của sự đổi mới GD-ĐT. Việc mở thêm trường với giáo viên mới ở những môn học mới (mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất) sẽ đa dạng hóa các mô hình giáo dục, giúp học sinh có thêm lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích, từng bước đa dạng hóa nguồn nhân lực tương lai.

Quan trọng hơn nữa là thêm trường THPT sẽ tạo môi trường phù hợp cho trẻ vị thành niên phát triển. Bởi nếu áp trần theo chỉ tiêu mà điều kiện về giáo dục nghề nghiệp, việc làm chưa bảo đảm thì việc học của học sinh cũng khó đến đích...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc