Multimedia Đọc Báo in

“Lên dây cót” cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

07:15, 03/12/2024

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới.

Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp “lên dây cót” chuẩn bị cho kỳ thi tới theo tinh thần chủ động, tích cực hỗ trợ học sinh.

Xây dựng chương trình học tập cá nhân

Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai hoạt động đánh giá năng lực học tập của học sinh; tổ chức tư vấn, hỗ trợ học sinh lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp theo năng lực, nguyện vọng (sử dụng kết quả thi xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học), khả năng tổ chức ôn tập của trường để học sinh xây dựng phương án học tập cá nhân phù hợp, hiệu quả.

Tiết ôn tập của học sinh Trường THPT Quang Trung (huyện Krông Pắc).

Em Hồ Hoài Thương, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Quang Trung (huyện Krông Pắc) lựa chọn 2 môn thi tốt nghiệp là Vật lý và Hóa học. Hiện tại, ngoài ôn tập theo tổ hợp môn thi tốt nghiệp thì Thương còn tập trung vào các môn học còn lại để có thể đạt học lực loại xuất sắc trong 3 năm THPT. Thương cũng dành nhiều tâm sức để học môn Ngữ văn bởi đề thi sẽ sử dụng ngữ liệu mở không có trong sách giáo khoa. Phương án học tập của Thương là ôn tập theo kế hoạch chung của trường và đọc thêm các tài liệu tham khảo trên Internet; trong đó tập trung vào các nội dung thuộc kỹ năng (nhận diện các thể loại văn bản, tác phẩm văn học; viết đoạn văn, bài văn).

Em Nguyễn Thị Hồng Hạnh, lớp 12A8, Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) dự định sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tuyển ngành ngôn ngữ Trung (ở một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh) hoặc Trung Quốc học (Học viện Ngoại giao) theo tổ hợp khối D (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh) nên môn thi tốt nghiệp còn lại là Lịch sử. Qua thực tế ôn tập và giải đề minh họa của Bộ GD-ĐT công bố, Hạnh cho rằng đề thi xây dựng theo hướng mở, coi trọng việc đánh giá năng lực tư duy của học sinh; riêng đề thi môn Lịch sử kiến thức không mới mà cách ra đề mới, nhất là phần câu hỏi đúng – sai, nếu làm bài không chú ý rất dễ mất điểm.

Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột) chủ động tổ chức ôn tập cho học sinh từ cuối tháng 8/2024 với nhiều thuận lợi khi 99,6% học sinh ở nội trú tại trường (trường có 551 học sinh). Em Tống Thị Thu Nguyệt, học sinh lớp 12A1 cho hay, nhà trường tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức và định hướng cho học sinh về chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp từ cuối năm học lớp 11. Quá trình đó đã giúp học sinh cân nhắc lựa chọn môn thi tốt nghiệp phù hợp khả năng, định hướng nghề nghiệp; dành thời gian tự học tại ký túc xá, phòng học hiệu quả. Khi gặp bài khó, học sinh có thể hỏi bạn, gặp trực tiếp hoặc trao đổi qua mạng xã hội với giáo viên.

Tích cực hỗ trợ học sinh

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đề thi tự luận môn Ngữ văn có hai phần (đọc hiểu và viết) với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Đề thi trắc nghiệm của các môn còn lại có ba phần: câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn (cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng); câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai); câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn (thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình).

Với nhiều điểm mới so với các kỳ thi trước (môn thi, nội dung đề thi, cấu trúc đề thi), các cơ sở giáo dục đã bám sát tình hình học tập của học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập, xây dựng đề kiểm tra, đánh giá để học sinh ôn tập, làm quen.

Giờ học chính khóa của học sinh Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn).

 Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) có 298 học sinh khối 12, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 50%. Qua rà soát, thống kê thực tế nhu cầu học tập của học sinh với các môn lựa chọn để thi tốt nghiệp có thể thấy đa phần học sinh chọn tổ hợp có các môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Thầy Trần Vĩnh Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Đôn cho biết, căn cứ tình hình thực tế, trường tổ chức ôn tập theo tổ hợp môn thi tốt nghiệp và năng lực học tập của học sinh (khá, giỏi, trung bình, chống liệt). Qua đó đã có gần 100% học sinh ôn tập tại trường; những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp được phụ đạo theo hướng "cầm tay chỉ việc" và được hỗ trợ 100% chi phí ôn tập. Ban Giám hiệu nhà trường bám sát kế hoạch ôn tập của trường, của từng giáo viên để giám sát, kiểm tra thường xuyên nhằm đạt hiệu quả ôn tập cao nhất có thể, phấn đấu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi tới.

Qua khảo sát nhu cầu của học sinh, Trường THPT Quang Trung (huyện Krông Pắc) đã mở các lớp ôn tập ở các môn Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Thầy Phạm Quang Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho biết, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ học sinh đăng ký ít nên trường không mở lớp ôn tập; thay vào đó là giáo viên bộ môn hỗ trợ học sinh bằng cách chia sẻ tài liệu ôn tập, hướng dẫn cách định dạng đề thi, làm bài thi...

Theo Bộ GD-ĐT, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ thi 4 môn gồm: 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Dự kiến, kỳ thi được tổ chức vào tháng 6/2025.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.