Lời giải cho bài toán việc làm vùng dân tộc thiểu số
Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, huyện Krông Pắc đã có lời giải hiệu quả cho bài toán việc làm và thu nhập, nhất là ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Bước chuyển về nhận thức
Ea Hiu là xã có trên 60% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Êđê và Bru – Vân Kiều. Nếu như trước đây, phần lớn người dân có tâm lý lo lắng, e dè khi nhắc đến xuất khẩu lao động (XKLĐ), thì nay bà con đã chủ động liên hệ với địa phương để được tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ cho con em mình đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng.
Anh Ai Ngang trao đổi về hiệu quả của xuất khẩu lao động đối với kinh tế gia đình. |
Cách đây 2 năm, gia đình Ai Ngang (buôn Tà Đỗq) là một trong những hộ người Bru – Vân Kiều đầu tiên của xã Ea Hiu cho con đi XKLĐ tại Nhật Bản. Với công việc bán hàng tại siêu thị, Mun Thủy Vu, con gái anh Ai Ngang hiện có thu nhập bình quân khoảng 32 triệu đồng/tháng. Năm 2023, gia đình anh Ai Ngang tiếp tục cho con trai là Ai Duy Nhất đi làm việc theo đơn hàng chăn nuôi tại Nhật Bản. Thu nhập bình quân của Ai Duy Nhất khoảng 25 triệu đồng. Ngoài giờ làm việc, em còn tích cực học tiếng Nhật, chủ động nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ cho bản thân.
Anh Ai Ngang chia sẻ, quá trình chuẩn bị tham gia XKLĐ, cả hai con của anh đều được tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình từ cấp ủy, chính quyền địa phương, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, từ Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719), trong thời gian đào tạo, Ai Duy Nhất được hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền ở, sinh hoạt phí… với tổng số tiền 16,5 triệu đồng. Sự hỗ trợ này đã giúp gia đình giảm áp lực về chi phí ban đầu.
Giữa năm 2023, khi vừa học xong chương trình phổ thông, Y Ka Sim Bkrông (buôn Jắt A) cũng lựa chọn đi làm việc tại Nhật Bản theo hợp đồng đơn hàng xây dựng. Chị H’Ri Bkrông, mẹ của Y Ka Sim cho biết, ban đầu, chị rất lo lắng vì bà con Êđê trong vùng chẳng mấy ai đi làm ăn xa. Nhưng khi tham gia các chương trình tư vấn XKLĐ tại địa phương, tìm hiểu thông tin thực tế từ các gia đình có con đang làm việc tại Nhật Bản, chị đã thấy rõ hiệu quả của XKLĐ. Chị H’Ri còn yên tâm hơn khi trong thời gian đào tạo, Y Ka Sim được hưởng các chính sách vay vốn ưu đãi và hỗ trợ chi phí ăn ở, sinh hoạt….
Đến nay, Y Ka Sim đã làm việc tại Nhật Bản gần 1 năm với thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng. Ngoài tiết kiệm cho những dự định tương lai khi về nước, Y Ka Sim còn gửi tiền về cho gia đình trả dần nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Nhiều cách thức tiếp thêm động lực cho lao động
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Krông Pắc, toàn huyện có hơn 36% dân số là DTTS, trong đó tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Thế nhưng, công tác XKLĐ tại các vùng đồng bào DTTS đối mặt với không ít khó khăn, do người dân ngại đi làm ăn xa, lo lắng khi thời gian làm việc theo hợp đồng dài cũng như không muốn rời khỏi môi trường buôn làng.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, cấp ủy, chính quyền cùng các cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, đa dạng hóa kênh cung cấp thông tin cho người dân về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ.
Huyện cũng đẩy mạnh tổ chức hội chợ việc làm, các phiên giao dịch việc làm tại cơ sở, đưa hoạt động tư vấn XKLĐ đến tận thôn, buôn với sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Qua đó, người dân được tư vấn, hướng dẫn, giải thích cặn kẽ về điều kiện, thủ tục, mức thu nhập cam kết cùng các chế độ đãi ngộ khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chị H'Ri Bkrông (bìa trái) chia sẻ về công việc và thu nhập của người con trai đang làm việc tại Nhật Bản. |
Mặt khác, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cũng chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ kinh phí và vốn vay ưu đãi cho người dân khi XKLĐ theo Chương trình 1719; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; nguồn Quỹ quốc gia về việc làm… Chỉ riêng trong Dự án 5 Chương trình 1719, đến nay, huyện đã hỗ trợ chi phí đào tạo, ăn ở, sinh hoạt phí… cho 13 lao động là người DTTS, với tổng số tiền gần 180 triệu đồng. Đây thực sự là nguồn hỗ trợ có ý nghĩa lớn trong việc chia sẻ khó khăn, tiếp thêm động lực cho lao động vùng DTTS, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn mạnh dạn tham gia XKLĐ, từng bước cải thiện đời sống gia đình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, hiệu quả công tác XKLĐ thời gian qua đã khẳng định đây là một kênh giải quyết việc làm hiệu quả, là “đòn bẩy” giúp giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, hoạt động XKLĐ còn góp phần phát triển nguồn nhân lực tại địa phương, tăng số lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp và kỹ năng tiếp cận với các công nghệ tiên tiến.
Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Krông Pắc đã có 396 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm. Người lao động đi làm việc chủ yếu tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) trong các lĩnh vực xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi, bán hàng siêu thị… với mức thu nhập phổ biến 25 - 35 triệu đồng/tháng. |
Minh Thuận – Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc