Những chính sách nhân văn
Chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS được Chính phủ đặc biệt quan tâm với nhiều chương trình lớn. Tại Đắk Lắk, các chương trình hỗ trợ đã phát huy hiệu quả thiết thực, thể hiện tính nhân văn, góp phần giúp hàng vạn hộ dân ổn định cuộc sống.
Hỗ trợ đồng bào định canh, định cư
Thực hiện Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg, ngày 8/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết đất đai cho đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên, toàn tỉnh đã giải quyết đất ở cho 6.106 hộ (với diện tích gần 243 ha); đất sản xuất cho 8.202 hộ (hơn 4.556 ha). Có 5.531 hộ được giải quyết đất ở (144,5 ha); 7.737 hộ được giải quyết đất sản xuất (hơn 2.771 ha) theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn.
Đối với Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, kinh phí thực hiện là 60 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, bò sinh sản…
Theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Đắk Lắk không được Trung ương bố trí vốn; tuy nhiên, các huyện đã bố trí ngân sách để tạo quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho 448 hộ (với diện tích hơn 194 ha).
Triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (Chương trình 1719), từ 2021 – 2024, kế hoạch vốn giao là hơn 130 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và Trung ương. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 552 hộ, tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng. Qua rà soát, nhu cầu hỗ trợ còn lại của giai đoạn 2021 – 2025 là 16.834 hộ, kinh phí 613 tỷ đồng.
![]() |
Chính sách hỗ trợ đất đai không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ảnh: Vạn Tiếp |
Một trong những hộ được thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ đất đai là gia đình anh Y Nang Ksơr (buôn Klat, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ). Bố mẹ anh sinh đông con, khi các con lớn, lập gia đình ra ở riêng không có đất làm nhà. Năm 2022, nhờ có chủ trương cấp đất ở, đất sản xuất theo Chương trình 1719, gia đình anh đã được cấp đất ở. Ngoài ra, anh còn được tham gia lớp học nghề miễn phí và được hỗ trợ vốn để sản xuất. Nhờ đó, gia đình anh có đất ở, việc làm để ổn định cuộc sống.
Tương tự, bà H’Nẽ Ênuôl (buôn T’la, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) được Nhà nước hỗ trợ cấp 400 m2 đất ở và 4.000 m2 đất sản xuất. Bà cho biết, chính sách hỗ trợ về đất đai có ý nghĩa rất lớn, giúp những hộ đồng bào DTTS như bà có nơi an cư và điều kiện vươn thoát nghèo bền vững.
Theo ông Lê Văn Cường, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh, việc Nhà nước hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân. Qua đó, đời sống người dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Tích cực quy hoạch, sắp xếp, bố trí quỹ đất
Giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 130 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I), 454 thôn, buôn đặc biệt khó khăn, nhu cầu hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất rất lớn. Do đó, việc chuẩn bị quỹ đất để cấp cho người dân đúng quy định, quy hoạch đất đai là vấn đề rất quan trọng.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 cho 15/15 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong quá trình thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện, Hội đồng thẩm định của tỉnh đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bố trí đủ quỹ đất để thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS không có đất theo Dự án 1, Chương trình 1719. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã bố trí quỹ đất để thực hiện những dự án trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của địa phương, đặc biệt là các dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do và các dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và định canh, định cư cho đồng bào DTTS
Về kế hoạch sử dụng đất, hằng năm, Sở TN-MT đều hướng dẫn các địa phương thực hiện việc rà soát, bổ sung nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chương trình 1719 vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, trình phê duyệt, làm căn cứ giao đất theo quy định của pháp luật.
Đối với việc xác định diện tích đất bố trí quỹ đất giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trong phương án tổng thể, Sở TN-MT đã xây dựng Phương án tổng thể quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh với diện tích 264.063 ha có nguồn gốc thu hồi từ các lâm trường, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, khu bảo tồn, vườn quốc gia giao địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền để làm cơ sở cho UBND cấp huyện xây dựng phương án sử dụng đất chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, trong 264.063 ha lập phương án nêu trên, UBND cấp huyện rà soát, dự kiến đề xuất gần 6.549 ha để xem xét, bố trí quỹ đất giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo quy định.
Từ năm 2002 – 2020, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ về đất cho 29.237 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (với diện tích hơn 8.149 ha), trong đó giải quyết đất ở cho 11.854 hộ (393 ha), giải quyết đất sản xuất cho 17.383 hộ (hơn 7.756 ha). |
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc