Multimedia Đọc Báo in

Tăng năng lực tổ chức tiết đọc thư viện

08:36, 18/12/2024

Hội thi Tiết đọc thư viện cấp tiểu học tỉnh Đắk Lắk, năm học 2024 – 2025 do Sở GD-ĐT vừa tổ chức đã mang lại những kinh nghiệm bổ ích cho giáo viên trong hoạt động chuyên môn.

Sôi động từng tiết đọc

Tham gia hội thi có 165 giáo viên đến từ các trường tiểu học thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố dự thi 165 tiết đọc khác nhau (đọc to, cùng đọc, đọc to nghe chung) tại 10 trường tiểu học thuộc TP. Buôn Ma Thuột.

Tiết đọc to nghe chung về cuốn sách “Hươu cao cổ bị cận thị” tại lớp 2G, Trường Tiểu học Tô Hiệu (phường Ea Tam) của thí sinh Nguyễn Thị Kiều (Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, huyện Cư M’gar) diễn ra sôi nổi với sự tham gia tích cực của học sinh. Trong phòng đọc thư viện của trường, các em học sinh được ngồi thoải mái trên tấm thảm để nghe truyện và hào hứng tương tác với bạn, với giáo viên theo diễn biến câu chuyện… Sau hoạt động đọc, học sinh được tham gia hoạt động mở rộng là vẽ tranh về con vật yêu thích; chia sẻ về con vật trong bức tranh với các bạn cùng lớp; nhận xét, góp ý về bức tranh của các bạn...

Học sinh lớp 3C, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia hoạt động sắm vai trong tiết đọc thư viện của thí sinh H Guah Hmok (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, huyện Krông Ana) tại hội thi.

Tương tự, học sinh lớp 3C, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (phường Thắng Lợi) có tiết đọc thú vị với cô giáo "lạ" là thí sinh của hội thi - cô H Guah Hmok (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, huyện Krông Ana) với cuốn sách “Vị khách ngày mưa bão”. Sau khi được nghe cô giáo đọc, học sinh cùng cô giáo tóm tắt câu chuyện, thảo luận nhóm, đóng vai các nhân vật trong sách để thể hiện lại tình huống của câu chuyện.

Cô H Guah Hmok chia sẻ, ngoài nắm bắt câu chuyện, học sinh được thể hiện bản thân qua việc đóng vai nhân vật; qua đó tạo môi trường để các em phát huy trí tưởng tượng của mình, sáng tạo ra những lời thoại phù hợp với tình huống.

Đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thi, hầu hết các thí sinh đều bám sát quy trình tổ chức tiết đọc thư viện, sử dụng hợp lý các phương pháp khai thác tranh bìa, đặt câu hỏi phỏng đoán và hướng dẫn học sinh khám phá câu chuyện.

Các thí sinh cũng phát huy hiệu quả hoạt động mở rộng của tiết đọc (sắm vai, viết - vẽ, thảo luận nhóm) giúp học sinh được thực hành kỹ năng giao tiếp và có những trải nghiệm thú vị, tăng khả năng tư duy sáng tạo dựa trên câu chuyện trong cuốn sách được học.

Đặc biệt là nhiều giáo viên có giọng đọc hay, truyền cảm, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể (ánh mắt, cử chỉ) làm nổi bật những chi tiết thú vị trong câu chuyện, giúp lớp học sôi động, câu chuyện cuốn hút, hấp dẫn người nghe…

Thí sinh Nguyễn Thị Kiều (Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, huyện Cư M’gar) hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Tô Hiệu (phường Ea Tam) thực hiện hoạt động mở rộng tại hội thi.

Cô Đặng Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột), thành viên Ban giám khảo hội thi chia sẻ, qua thực tế chấm thi cho thấy giáo viên đã có sự chuẩn bị chu đáo cho tiết đọc thư viện; học sinh tự tin tương tác với giáo viên... Các em học sinh cũng đã chủ động tham gia vào hoạt động đọc một cách tích cực; có những nhóm trong khoảng thời gian ngắn đã sắm vai tốt, tự tin trong cách thể hiện tình huống trong câu chuyện… Đây chính là sự thành công từ việc thực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ngay từ cơ sở.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, đây là lần thứ hai Sở GD-ĐT tổ chức hội thi tiết đọc thư viện cấp tiểu học. Hội thi không chỉ là sân chơi chuyên môn ý nghĩa mà còn là dịp để các giáo viên học hỏi và nâng cao năng lực dạy học, góp phần phát triển phong trào văn hóa đọc trong trường học. Qua đó cũng là dịp để các cấp, các ngành và toàn xã hội thấy rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của tiết đọc thư viện trường học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, học tập và giáo dục toàn diện cho học sinh và xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Những tiết dạy không chỉ khơi nguồn cảm hứng đọc sách mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng học sinh, từ đó hình thành cho trẻ văn hóa đọc một cách tự nhiên.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức tiết đọc tại thư viện nhằm tạo hứng thú và đam mê với việc đọc sách, tăng cường vốn từ vựng và củng cố kỹ năng đọc cho học sinh. Tiết đọc tại thư viện được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau; được sắp xếp linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc phần đọc mở rộng (trong môn Tiếng Việt), lồng ghép trong các hoạt động giáo dục khác phù hợp với điều kiện của nhà trường (từ 2 - 4 tiết/tháng).

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc