Multimedia Đọc Báo in

Tự chủ tuổi xế chiều với lương hưu

07:00, 02/12/2024

Sau những năm tháng nhọc nhằn, vất vả làm việc, cuộc sống về già sẽ trở nên vui vẻ, an nhàn khi có lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

An nhàn khi về già

Đã bước sang tuổi 70 song vợ chồng ông Nguyễn Mậu Hương và bà Hoàng Thị Thu (thôn 1, xã Krông Jing, huyện M’Drắk) đều khỏe mạnh và luôn vui vẻ.

Ông Hương tâm tình: “Cả hai vợ chồng tôi đã về hưu, người được 9 năm, người đã 15 năm. Ban đầu lương hưu mỗi người chỉ có 3 – 4 triệu đồng/ tháng, nhưng qua nhiều lần Nhà nước điều chỉnh nay đã tăng lên 7 triệu đồng/tháng. Lương hưu đủ trang trải, không phải lo toan tính toán chi tiêu cho sinh hoạt hay những lúc ốm đau, nằm viện. Hơn thế nữa, các con cũng yên tâm lao động, sản xuất mà không phải lo lắng chi phí chăm lo cho bố mẹ già”.

Vợ chồng ông Nguyễn Mậu Hương và bà Hoàng Thị Thu (xã Krông Jing, huyện M’Drắk) chia sẻ niềm vui tuổi già khi có lương hưu.

Cuộc sống hằng ngày không phải lo lắng tính toán chuyện tiền bạc nên tinh thần thoải mái, sức khỏe cũng nhờ thế tốt hơn. Tuy nhiên, với bản tính cần cù, chịu khó, hằng ngày ông bà vẫn lấy việc buôn bán nước mía và  tạp hóa nhỏ làm vui, vừa để vận động vừa có thêm chút chi phí nhỏ để mua sắm, hỗ trợ con cháu.

Là giáo viên về hưu đã 16 năm, vợ chồng bà Phan Thị Hiền (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) không phải bận rộn, lo lắng việc mưu sinh nhờ có lương hưu hằng tháng. Hằng ngày ông bà chỉ phải lo chăm sóc sức khỏe của bản thân để sống vui, sống lâu cùng con cháu, an hưởng tuổi già bên thú vui chăm sóc vườn tược. Đặc biệt, với tiền lương hưu ổn định và được tăng dần qua các năm, ông bà còn có thể đỡ đần con cháu phần nào khi cần. Bà Hiền tâm sự rằng ông bà cũng vui mừng, tự hào khi về già vẫn có thể tự lo cho mình, không phiền hà đến con cháu.

Để có thêm nhiều người hưởng lương hưu

Có thể thấy, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), kể cả bắt buộc hay tự nguyện đều đang trở thành điểm tựa vững vàng cho rất nhiều cán bộ, người lao động khi về già. Việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, cơ bản nhất và cũng là thiết thực nhất là tiền lương và chế độ cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí sẽ giúp chất lượng sống của người dân sau khi hết tuổi lao động được nâng lên đáng kể.

Theo đó, ngoài người lao động đang làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc thì lao động tự do cũng có tiếp cận được chính sách hưu trí khi về già nếu tham gia BHXH tự nguyện đủ số năm và đủ tuổi nhận lương hưu theo quy định. Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng, thì thay vì nhận chế độ BHXH một lần như trước đây, họ có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu.

Để ngày càng có thêm nhiều người dân được tham gia và thụ hưởng chính sách hưu trí, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH, còn có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị giúp người dân yên tâm đăng ký tham gia.

Bà Phan Thị Hiền (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) với niềm vui chăm sóc cây cảnh.

Trong đó, nhằm bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã 23 lần điều chỉnh lương hưu. Mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 - 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995. Hiện, người hưởng lương hưu từ Quỹ BHXH có mức hưởng bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng; còn người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an sinh xã hội sau này, ngoài hộ nghèo, cận nghèo và người dân khi tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ theo các mức khác nhau thì mới đây lực lượng tham gia an ninh cơ sở cũng được hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện. Hay một số huyện trong tỉnh trích ngân sách, tiết kiệm chi để hỗ trợ cán bộ không chuyên trách, cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố tham gia BHXH tự nguyện...

Có thể khẳng định, việc tham gia BHXH là khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành khi về già. Người lao động có lương hưu đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, giúp họ tự chủ, ổn định hơn trong cuộc sống, không phải lệ thuộc vào gia đình, xã hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.