Multimedia Đọc Báo in

Cảm ơn nghề báo!

10:25, 15/01/2025

16 năm gắn bó với nghề báo – khoảng thời gian không dài nhưng đã để lại cho tôi những cảm xúc khó quên về những chuyến đi cơ sở.

Chừng ấy năm gắn bó với nghề, tôi và các đồng nghiệp làm việc tại Báo Đắk Lắk có mặt ở nhiều nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng tâm dịch đến vùng thiên tai, bão lũ để phản ánh kịp thời hơi thở cuộc sống.

Tôi không nhớ bản thân đã viết bao nhiêu tin bài, nhưng mỗi tác phẩm ra đời là một cung bậc cảm xúc khác nhau. Yêu nghề, “say” nghề là yếu tố quan trọng luôn thôi thúc bản thân tôi luôn phải cố gắng, sẵn sàng lên đường trong mọi tình huống.

Phóng viên Báo Đắk Lắk cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại cánh đồng trên địa bàn xã Buôn Triết, huyện Lắk.

Có lẽ niềm vui lớn nhất của bất cứ phóng viên nào là tác phẩm của mình được bạn đọc đón nhận và những hiệu ứng tích cực sau mỗi bài viết. Còn nhớ, đầu tháng 12/2020, khi nhận được thông tin hàng chục căn nhà tại khu vực lòng hồ Krông Pách thượng thuộc địa phận xã Cư San (huyện M’Drắk) bị ngập lụt, tôi đã vượt hơn 80 cây số trên “con ngựa sắt” để đến vùng tâm lũ. Cảnh tượng trước mắt là công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng, thời điểm ấy còn ngổn ngang do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ. Để đến được thôn 9, 10 và thôn 11 (xã Cư San) – vùng lòng hồ Krông Pách thượng, tôi phải di chuyển bằng thuyền của một người dân địa phương. Nước dâng cao, hàng chục hộ dân nơi đây bị cô lập và hàng trăm héc-ta cây trồng bị ngập chìm trong nước. Không từ nào có thể diễn tả hết những khó khăn, vất vả và cả những mối nguy rình rập đối với người dân nơi đây tại thời điểm ấy. Chia tay người dân lòng hồ lòng tôi nặng trĩu.

Sau chuyến công tác ấy, tôi tiếp tục có nhiều chuyến trở lại vùng lòng hồ Krông Pách thượng ở xã Cư San, nhưng không phải phản ánh những khó khăn, những nguy hiểm mà là mang đến bạn đọc những bài viết về tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân nơi đây trong việc di dời về khu tái định cư của dự án. Từ những hộ tiên phong, rồi lần lượt người dân trong thôn đều thống nhất theo chủ trương của Nhà nước để về nơi ở mới với những tiện ích đầy đủ hơn, tốt hơn nơi ở cũ. Loạt bài 3 kỳ "Chìa khóa dân vận" trên đại công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng của tôi và đồng nghiệp đã ra đời từ những chuyến đi như thế. Giờ đây, cuộc sống của người dân ở hai khu tái định cư của Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng đã dần ổn định, họ yên tâm sản xuất, kinh doanh tại nơi ở mới. Nhìn những căn nhà với đủ màu sắc, những thiếu nữ dân tộc H’Mông xúng xính trong trang phục truyền thống và cả tiếng trống trường vang vọng nơi đây, lòng tôi thấy rưng rưng như được hòa chung niềm vui với người dân sở tại.

Phóng viên Báo Đắk Lắk và đồng nghiệp phỏng vấn người dân vùng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Phóng viên Báo Đắk Lắk và đồng nghiệp phỏng vấn người dân vùng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Trong vô số kỷ niệm với nghề, tôi cảm thấy vui và tự hào khi đã mạnh dạn viết lên những bất cập, tồn tại trong quá trình thi công một số công trình, dự án và sau mỗi bài viết đã có những phản hồi tích cực. Đó là dịp đầu tháng 3/2024, khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng bụi công trình của Dự án Hạ tầng giao thông khu dân cư phía Nam (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột). Tình trạng này tồn tại trong thời gian khá dài và làm đảo lộn sinh hoạt, cuộc sống hằng ngày của người dân. Trong thời gian công trình này triển khai, các gia đình luôn phải “cửa đóng, then cài” và sử dụng tấm nilon, bạt phủ kín để giảm lượng bụi vào nhà. Đề tài thời sự, vấn đề lại rất bức thiết nên tác phẩm “Người dân “ngột ngạt” vì bụi công trình” của tôi đã được tòa soạn chọn đăng kịp thời.

Sau khi vấn đề được phản ánh trên Báo Đắk Lắk, những bất cập đã được chủ đầu tư, nhà thầu giải quyết nhanh chóng. Tình trạng bụi công trình “tấn công” nhà dân giảm rõ rệt, những tiếng “cảm ơn nhà báo” được người dân thay cho lời chào khi tôi quay lại ghi nhận sự chuyển biến sau bài phản ánh như động lực thôi thúc bản thân cần tiếp tục cống hiến, cố gắng.

Cảm ơn nghề báo đã cho tôi nhiều trải nghiệm, được gặp gỡ nhiều người, được chạm chân đến nhiều địa danh trên mảnh đất hội tụ 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tôi thấy hạnh phúc khi được gắn bó và “cháy” với niềm đam mê của mình, dẫu đây là nghề luôn luôn phải đối mặt với những chông gai, áp lực.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc