Đắk Lắk phát huy những thế mạnh cùng tuổi “120+1”
Tỉnh Đắk Lắk vừa kỷ niệm dấu mốc 120 năm thành lập trong năm 2024, và đang bước vào năm mới 2025 với khí thế mới mẻ, hòa chung vào cuộc cách mạng vươn mình của cả dân tộc. Đúc kết những gì đã trải qua và đã lên kế hoạch thay đổi, địa phương đang nắm chắc ba thế mạnh phát triển, để khẳng định vị thế thủ phủ đầu tư, cửa ngõ kinh tế vùng Tây Nguyên.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để xứng đáng với vị trí trung tâm và điểm động lực chính vùng Tây Nguyên, địa phương phải “trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống”.
Đúc kết từ hành trình trăm năm
Với bề dày lịch sử hàng trăm năm có được, vùng đất ở cửa ngõ Tây Nguyên này đã được ghi nhận những dấu ấn riêng biệt, độc đáo về sự hội tụ văn hóa, đời sống, kinh tế của nhiều dân tộc bản địa cùng nhau chung sống và hưng thịnh. Đặc biệt qua những hiện vật ở di chỉ khảo cổ Thác Hai, các nhà nghiên cứu còn đặt vấn đề về một nền văn minh công nghiệp và thương mại đã từng hiện diện ở vùng đất này. Theo đánh giá từ các nhà khảo cổ học, kỹ nghệ sản xuất mỏ khoan đá, kết hợp vật liệu thủy tinh từ rất sơ khai cho thấy Đắk Lắk phải từng là một tâm điểm “đô thị” tập trung sản xuất công nghiệp theo dây chuyền, thu gom sản vật thương mại của toàn vùng Tây Nguyên, đưa về duyên hải phía Đông để tiêu thụ.
Trên nền văn minh ngỡ như mất tích ấy, người dân Tây Nguyên bao đời vẫn tiếp tục sinh sống và phát triển, ổn định cuộc sống với những kiến thức dân gian, kỹ năng hành động và văn hóa bảo tồn. Những điệu hát, lời sử thi được kể bên bếp lửa, qua những bậc thang nhà dài đã nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần và trách nhiệm con người nơi đây, không ngừng đổi mới và tiến bộ. Để đến một thời điểm thích hợp, quyết định thành lập điểm tụ hội phát triển Đắk Lắk được công nhận cũng chỉ là điểm đánh dấu lộ trình mới. Rồi kinh qua chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, một “cơ ngơi” Đắk Lắk phồn vinh, bền vững đã dần dần được người và đất nơi đây nuôi dưỡng, lớn mạnh dần lên, kết nối rộng rãi hơn trong xu thế cả dân tộc và đất nước phát triển.
Hơn 40 năm qua, với những định hướng đầu tư, phát triển cùng đất nước, Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu nhất định, tự hào với vị thế cửa ngõ liên kết cả vùng Tây Nguyên của mình, tiên phong đột phá trong một số lĩnh vực, định hướng quy hoạch mới, tiếp tục vận động tạo những nền tảng tiến bộ mới, về hạ tầng xã hội, kinh tế, hội nhập kỷ nguyên số, thương mại điện tử, và nhất là chưa hề mai một những trách nhiệm với quá khứ văn hóa cao nguyên.
Đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn huyện Ea Kar đang được thảm nhựa. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Ba thế mạnh vươn lên
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu, tỉnh Đắk Lắk cần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đổi mới mô hình kinh tế, trọng tâm như sản phẩm nông lâm quy mô, chất lượng; mở rộng công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo; xây dựng nền kinh tế đô thị có hạ tầng mạnh mẽ, dịch vụ logistics và du lịch hợp lý, vừa hiện đại chuyển đổi số vừa chú trọng bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đặc trưng. Hội tụ qua nhìn nhận này, có thể thấy rõ ba thế mạnh mà Đắk Lắk cần nắm chắc, không ngừng đầu tư để vươn lên.
Đó là lợi thế kinh tế nông nghiệp giá trị cao phải tiếp tục được phát huy. Giá cà phê, sầu riêng tăng vọt thời gian qua đang đặt yêu cầu cần đầu tư thỏa đáng hơn vào những cánh đồng chuyên canh năng suất lớn, những quy trình mã số vùng trồng bảo đảm chất lượng canh tác tốt hơn, khoa học hơn. Đắk Lắk phải tận dụng khai thác được tốt nhất những ưu thế nông nghiệp chuyên sâu này, một thành quả thu được sau 120 năm thay đổi và phát triển.
Thứ hai, định hướng hạ tầng kết nối giao thương, logistics cần hoàn thiện. Yêu cầu này đã được Đắk Lắk hiện thực hóa bằng hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng giao thông, là tuyến cao tốc đang hình thành, là những trục đường cấp tỉnh lan tỏa dần khắp địa bàn. Nhất là tuyến cao tốc nối liền Khánh Hòa và Buôn Ma Thuột được xác định là cầu phân bổ hàng hóa xuất khẩu, một cung đường logistics giá trị cao cho Tây Nguyên, khi hoàn thành sẽ làm nên một thay đổi to lớn cho cục diện đầu tư hạ tầng đô thị vùng cao nguyên. Sau dự án này, Đắk Lắk đang ấp ủ những chương trình đầu tư khác, ngày càng làm rõ hơn sứ mệnh tâm điểm phát triển đời sống kinh tế xã hội, mà dấu ấn 120 năm thực sự cần được in đậm hơn nữa, kế tục mạnh hơn nữa.
Cuối cùng, một nền tảng công nghiệp văn hóa phải được xây dựng. Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk biểu đạt, các giá trị văn hóa di sản ở Tây Nguyên hội tụ tại địa phương là điều không ai phủ định, song để phát huy tốt, bảo tồn, chấn hưng hiệu quả các giá trị đó lại là một thách thức không đơn giản. Nếu không biết tận dụng các thế mạnh, cơ hội từ thời đại công nghệ số, những di sản Tây Nguyên sẽ vẫn bị gói gọn với phạm vi “truyền khẩu”. Cần thay đổi những cách làm này, qua cách hội nhập các tiêu chí, kỹ thuật mới như số hóa lưu ký các tác phẩm diễn xướng, phổ biến thông tin về di sản cồng chiêng, kể chuyện sử thi…
Sân khấu hóa là một cách thức phổ biến văn hóa Tây Nguyên, nhưng đưa những hình ảnh đời thật của các nghệ nhân, của con người cao nguyên lên mạng trực tuyến, sử dụng những nét văn hóa đặc trưng, xây dựng những chiến lược truyền thông mới là cách tổ chức tiếp cận và bảo tồn văn hóa tốt nhất. Mà thế mạnh này, Đắk Lắk đương nhiên có được trong dòng chảy đô thị tích cực của mình.
Có thể nói, nhìn lại hành trình 120 năm đã qua, Đắk Lắk tự hào đã làm tốt trách nhiệm tiên phong, đổi mới, xây dựng nên những nền móng xã hội và văn hóa con người. Để từ tuổi đời mới “120+1”, địa phương đặt yêu cầu về những thế và lực mới, hiện đại tươi trẻ hơn song chưa hề phai nhạt những giá trị quá khứ, làm sao cho vùng đất này ngày càng hội tụ được nhiều hơn nữa, những cơ hội thực thụ cho các thế hệ tương lai và cho cả những ai một lần muốn đến, tìm hiểu và nghĩ về “ước mơ đáng sống”.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc