Multimedia Đọc Báo in

Dung dị những phiên chợ quê

15:08, 27/01/2025

Giữa cuộc sống nhộn nhịp với vô vàn cửa hàng tiện lợi, chợ hiện đại đầy ắp hàng hóa, vẫn có những phiên chợ vùng quê dung dị, có các bà, các mẹ người dân tộc thiểu số mưu sinh với ít hàng hóa là sản vật trồng được trong vườn, trên nương rẫy; hơn thế nữa, cách bán hàng không qua cân đong mà chỉ được ước lượng bằng tay, mắt và cảm nhận.

Chưa đến 8 giờ sáng, chợ Ea Hồ (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) đã thưa thớt người mua kẻ bán, bởi lẽ chợ quê thường họp rất sớm và tan cũng nhanh như khi nó bắt đầu, phần vì không có nhiều hàng hóa, phần vì đa số người đi chợ là phụ nữ, họ tranh thủ đi sớm để còn kịp về lo công việc đồng áng, nương rẫy, gia đình...

Những sản vật của người Êđê được chia thành từng phần bày bán tại chợ xã Ea Hồ (huyện Krông Năng).

Ở chợ, ngoài những tiểu thương buôn bán chuyên nghiệp với những sạp hàng cố định thì hầu hết những món hàng được bày bán đều do người dân tự tay trồng hoặc làm ra.

Đặc biệt là các bà, các mẹ người Êđê sáng sớm vẫn bày bán từng mớ rau, củ, quả trồng trong vườn hay được thu mua từ các hộ dân trong buôn làng. Không như nhiều gian hàng khác, mỗi ngày, các bà, các mẹ bán những thứ hàng khác nhau, có hôm chỉ vài phần ớt quả, ít cà đắng hay nhánh chuối; có hôm được ít rau dớn, đậu rồng hay vài quả mướp, cũng có hôm chỉ có quả đu đủ hay ít cá suối, cua đồng...

Ra chợ, họ chẳng mang theo cân mà hàng hóa được ước lượng từng phần đều nhau rồi bày ra chiếc bao trải trên mặt đất, giá mỗi phần thường chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng, người mua cứ thoải mái lựa chọn từng phần rồi trả số tiền tương ứng chứ không phải trả giá, chọn lựa từng chút một hay cân đong từng lạng...

Amí Lát, một người phụ nữ lớn tuổi có hơn 10 năm buôn bán ở chợ chia sẻ, thời xưa, ở các buôn làng vốn không có chợ mà mỗi khi nhà có ít tôm, cá bắt dưới suối lên, cà đắng, ớt, măng bẻ được trong vườn, rẫy hay trên rừng ăn không hết thì mang ra trao đổi với nhau.

Đến những năm sau giải phóng, khi người dân kinh tế mới ở các tỉnh thành khác đến, ở một số buôn làng mới bắt đầu manh nha một vài chợ nhỏ và chỉ nhóm họp trong vài giờ. Bà con dân tộc thiểu số cũng chưa quen với việc cân đong, trả giá trong mua bán mà cứ chia phần đều ra như vậy, dần dần nhiều tiểu thương nơi khác đến cũng quen cách thức mua bán này.

Ngày nay, khi hầu hết việc mua bán đều được tính toán, cân đo chi li từng lạng, bà và nhiều chị em trong buôn làng vẫn thích cách buôn bán xưa cũ, tự mình ước lượng thuận mua vừa bán, chẳng cần đến cái cân.

Amí Lát chia rau, củ, quả hái được trong vườn thành từng phần để bán mà không cần phải cân.

Có thể thấy, cách thức bán hàng này đã tạo nét riêng biệt cho khu chợ cũng như thu hút người mua bởi sự dân dã, mộc mạc của người bán. Hơn thế nữa, nó giúp người mua như được tìm về những ký ức ngày xưa, cái thời chợ không đơn thuần là nơi để trao đổi hàng hóa, mặc cả giá cao, giá thấp mà còn là nơi chứa đựng ân tình, là một sợi dây vô hình mà bền chặt, kết nối tình làng nghĩa xóm, làm cho cộng đồng trở nên gần gũi hơn. Đặc biệt ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mọc lên khắp nơi, công nghệ số phát triển với việc mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến thì hình thức mua bán này ở chợ quê Ea Hồ trở nên thú vị, tràn đầy sức sống và niềm vui như một nét văn hóa truyền thống.

Chợ từ lâu đã trở thành hình ảnh rất đỗi bình dị, là một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày; nó còn trở thành một cái gì đó gần gũi, đã đi vào tiềm thức, tâm hồn bằng những hình ảnh mộc mạc, thân quen. Dù trong thời đại nào, đi đâu hay về đâu, giữa bộn bề, hối hả của cuộc sống, nhiều người vẫn tìm về với những phiên chợ quê, chợ truyền thống, không phải chỉ để mua hay để bán mà đó như một cách trở về với ký ức, nơi lưu giữ nét văn hóa, lưu giữ hồn quê, nơi tìm về nguồn cội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Hành trình chạm đến ước mơ
Với sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và tinh thần xung kích, vì cộng đồng, những ước mơ, hoài bão của nhiều thanh niên thế hệ mới đang dần được thực hiện, tỏa sáng và truyền cảm hứng tích cực đến mọi người…