Hành trang cho học sinh, sinh viên trong chặng đường mới
Các phong trào hoạt động của học sinh, sinh viên thời gian qua đã góp phần trang bị cho lớp người trẻ hành trang vững vàng, góp phần xây dựng đất nước.
Nâng cao năng lực hội nhập
Hội nhập quốc tế mang lại cho học sinh, sinh viên rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân; mở ra cánh cửa tiếp cận với các chương trình học tập, nghiên cứu, trao đổi sinh viên, thực tập quốc tế và tìm kiếm việc làm ở nhiều quốc gia. Từ đó, giúp các bạn trẻ nâng cao kiến thức chuyên môn, mở rộng tầm nhìn và phát triển kỹ năng giao tiếp; tích lũy kinh nghiệm làm việc đa quốc gia, phát triển mạng lưới quan hệ nghề nghiệp toàn cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế, sinh viên gặp nhiều thách thức, khó khăn như khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, môi trường học tập... Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh đã duy trì tổ chức nhiều chương trình, hoạt động như Hội thi Olympic tiếng Anh học sinh, sinh viên; Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm tiếng Anh; phối hợp với các đơn vị tổ chức giao lưu văn hóa và giới thiệu cơ hội việc làm, du học cho các bạn học sinh, sinh viên... nhằm tạo môi trường rèn luyện, trau dồi tiếng Anh; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đồng hành cùng thế hệ trẻ trong định hướng học tập và làm việc tại môi trường quốc tế.
Các buổi giao lưu văn hóa là cơ hội để sinh viên được luyện nói tiếng Anh và trang bị thêm kiến thức về văn hóa, con người của các nước trên thế giới. |
Tham gia hoạt động “Giao lưu văn hóa Việt Nam – Ấn Độ” trong khuôn khổ Ngày hội “Tự hào học sinh, sinh viên tỉnh Đắk Lắk” mới đây, các bạn sinh viên đã có cơ hội trao đổi, chia sẻ kiến thức, tìm hiểu về quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Bạn Lê Quốc Tuấn, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia giao lưu văn hóa quốc tế. Vượt qua những lo lắng, e ngại ban đầu về rào cản ngôn ngữ, em đã tự tin sử dụng những kỹ năng giao tiếp tiếng Anh được học tại trường, cùng các bạn sinh viên Ấn Độ giới thiệu, trao đổi nhiều điều thú vị về ngôn ngữ, con người, văn hóa của hai đất nước. Buổi giao lưu giúp tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị cũng như trang bị thêm kiến thức học thuật, văn hóa cho sinh viên hai nước”.
Trang bị kỹ năng phát triển toàn diện
Phong trào “Học sinh 3 tốt” do Trung ương Đoàn phát động được triển khai rộng rãi trong đoàn viên, học sinh các trường THPT nhằm tạo môi trường, động lực cho các em tự giác học tập, rèn luyện, trang bị những hành trang cơ bản để lập thân, lập nghiệp. Với các tiêu chí cụ thể là học tập tốt, đạo đức tốt, kỹ năng tốt, phong trào đã trở thành nguồn động lực giúp học sinh không chỉ ý thức hơn trong việc trau dồi đạo đức, trí tuệ, thể chất mà còn phát huy tinh thần ham học hỏi; thêm sự hứng thú trong việc hưởng ứng các cuộc thi, phong trào do nhà trường phát động.
Trong năm học 2023 – 2024, em Phạm Thảo Phương, học sinh lớp 12, Trường THPT Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ) là một trong 2 học sinh trên toàn tỉnh đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương. “Danh hiệu này là động lực để em tiếp tục cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng bổ ích trong quá trình học tập”, Thảo Phương chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Phạm Hoài Phương, giảng viên Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, bên cạnh việc học tập, học sinh, sinh viên cần trang bị thêm nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, quản lý thời gian, thuyết trình… để nâng cao hiệu quả học tập, tự chủ, sắp xếp công việc và kiểm soát thời gian biểu tốt hơn trong cuộc sống; đồng thời giúp các em xác định được mục tiêu phát triển bản thân phù hợp, sát với thực tế và mang tính lâu dài.
Sinh viên Ấn Độ giới thiệu về ngôn ngữ, văn hóa của nước mình tại hoạt động “Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Ấn Độ”. |
Vừa qua, cuộc thi tranh biện với chủ đề “Tự hào Việt Nam” do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh khối trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tham gia. Cuộc thi giúp các em trang bị, rèn luyện kỹ năng tranh biện, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Vượt hơn 80 km đến TP. Buôn Ma Thuột tham gia cuộc thi, em Nguyễn Thảo My, học sinh lớp 11, Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Ea H’leo) bày tỏ: “Cuộc thi tranh biện đã giúp em trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng tư duy phản biện, sử dụng lập luận để giải quyết những vấn đề trong môi trường học đường. Đặc biệt thông qua cuộc thi, em đã vượt qua "nỗi sợ đám đông", tự tin nêu lên những quan điểm của bản thân”.
Có thể nói, thời kỳ mới đang đặt ra những yêu cầu mới cho tuổi trẻ. Qua các phong trào như "Sinh viên 5 tốt", “Học sinh 3 tốt”... đã góp phần xây dựng lớp học sinh, sinh viên thời kỳ mới, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, sức khỏe, tri thức, có khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc