Multimedia Đọc Báo in

Đăng ký hiến mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi

07:35, 10/02/2025

Lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của việc đăng ký hiến mô, tạng tới mọi người trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh phối hợp Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động giúp tiếp nối hy vọng, mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh đang chờ hiến mô, tạng.

Những nghĩa cử cao đẹp

Lễ hội Xuân hồng năm 2025 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, huyện Ea Kar, Công an tỉnh, Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, thị xã Buôn Hồ và Trường Đại học Luật Hà Nội - Phân hiệu Đắk Lắk.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của lễ hội để thu hút người dân tham gia hiến máu bổ sung vào nguồn máu dự trữ của các bệnh viện, năm nay chương trình còn tập trung giới thiệu, vận động các tình nguyện viên tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người.

Từng có 59 lần hiến máu tình nguyện, 16 lần hiến tiểu cầu và cũng là tình nguyện viên hiến tặng mô, tạng quốc gia, ông Nguyễn Tấn Chờ (huyện Cư M’gar) cho hay: “Phong trào hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã và đang thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Với những người bệnh đang ở giữa lằn ranh sinh tử, ngày đêm chờ được ghép tạng thì việc được nhận món quà vô giá ấy như là sự hồi sinh. Khi bạn hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người cũng có nghĩa là bạn đem lại cho những người bệnh và người thân của họ một niềm hạnh phúc lớn lao mà không một thứ vật chất nào có thể đánh đổi được. Một ngày nào đó không may gặp nạn bị chết não hay khi qua đời, còn gì tốt đẹp hơn khi một phần cơ thể của bạn vẫn có thể đem đến sự sống trong những cơ thể người khác”.

Tình nguyện viên đăng ký hiến mô, tạng cứu người.

Là một trong những tình nguyện viên của chương trình Hành trình đỏ tại Đắk Lắk, thường xuyên tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện, đồng thời giúp đỡ, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn nên càng thấu hiểu hơn ý nghĩa, sự cấp thiết của việc hiến tạng cứu người, em Hoàng Bảo Ngọc (sinh viên Trường Đại học Đông Á - Phân hiệu Đắk Lắk) đã quyết định trở thành tình nguyện viên hiến tặng mô, tạng.

Bảo Ngọc chia sẻ: “Tham gia chương trình em hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến tạng để cứu người. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 - 10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội thì chẳng có cớ gì mình không lan tỏa những điều tốt đẹp ấy. Gia đình em cũng rất ủng hộ việc làm này”.

 
Với những người bệnh đang ở giữa lằn ranh sinh tử, ngày đêm chờ được ghép tạng thì việc được nhận món quà vô giá ấy như là sự hồi sinh. Khi bạn hiến máu, hiến mô, bộ phận cơ thể người cũng có nghĩa là bạn đem lại cho những người bệnh và người thân của họ một niềm hạnh phúc lớn lao mà không một thứ vật chất nào có thể đánh đổi được".
 
Ông Nguyễn Tấn Chờ

Cùng chung suy nghĩ đó, bạn Huỳnh Ngọc Minh Hiếu (sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên) đã đăng ký hiến tạng để lan tỏa giá trị, tinh thần tương thân tương ái, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.

“Nhiều người nói chết là hết nhưng theo em, nếu chết đi mà mình có thể vẫn giúp ích được cho đời, giúp cho những người khác có thêm cơ hội sống thì đó thực sự là điều có ý nghĩa. Bởi lẽ hằng ngày, hàng nghìn người đang chờ đợi để được ghép tạng, mong chờ một phép màu, mà điều đó chỉ xảy ra khi có được nguồn tạng hiến từ người hiến tặng sau khi qua đời hoặc chết não. Em cũng mong chương trình sẽ được lan tỏa hơn để nhiều người hiểu được việc làm nhân văn này, cùng tham gia hiến tạng, cứu giúp những cuộc đời khác”, Minh Hiếu bộc bạch.

Thêm cơ hội sống cho người bệnh

Hiến máu tình nguyện và hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác. Hiện nay, toàn quốc có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công và ghép được hầu hết các tạng trên người như thận, gan, tim, phổi, tụy với số lượng hơn 1.000 ca ghép tạng/năm, đã mang lại sự sống, hồi sinh cho nhiều người.

Theo Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, Lễ hội Xuân hồng và hoạt động đăng ký hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người nhằm chuyển tải sâu rộng về ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả và thay đổi nhận thức của xã hội về hành động này, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh.

Vì vậy các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các gia đình và mỗi cá nhân trên địa bàn tỉnh cần tích cực hưởng ứng, đăng ký và vận động nhiều người cùng tham gia chương trình, cùng nhau tiếp nối hồi sinh cho những bệnh nhân đang ngày đêm mong mỏi chờ được ghép mô, tạng.

Đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh trao thẻ đăng ký hiến mô, tạng cho các tình nguyện viên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vận động hiến mô tạng Việt Nam, nước ta hiện đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật công nghệ và tổ chức điều phối thực hiện ghép tạng nhưng hiện nay nguồn hiến mô, tạng từ người sau khi chết còn khan hiếm so với nhu cầu người bệnh cần được ghép.

Sau mỗi chương trình như thế này, tin tưởng rằng sẽ có thêm nhiều người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não trong thời gian tới để chúng ta có thêm cơ hội cứu sống những người bệnh, từ đó cùng nhau tạo nên dòng chảy văn hóa tận hiến trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khơi dậy và lan tỏa tinh thần 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột
Sáng 10/2, Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 tổ chức Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 – 10/3/2025)”.