Gần 200 ca mắc bệnh tay chân miệng trong 3 tháng đầu năm
Thống kê từ ngành y tế cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận 179 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở tất cả các các huyện, thị xã, thành phố.
Các ca mắc bệnh tập trung nhiều nhất ở TP. Buôn Ma Thuột với 83 trường hợp, huyện Cư M’gar 14 trường hợp, huyện Krông Ana 12 trường hợp…
![]() |
Hướng dẫn trẻ vệ sinh sạch sẽ để ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh tay chân miệng. |
Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, ngành y tế các cấp đã phối hợp với các nhà trường thực hiện điều tra dịch tễ, phun hóa chất tiêu độc khử trùng và vệ sinh lớp học, đồ chơi của trẻ; khám sàng lọc, phân loại ca bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng và điều trị, hướng dẫn cách ly, theo dõi điều trị các trường hợp mắc bệnh tại nhà, giám sát, báo cáo tình hình các ca bệnh và diễn biến của ổ dịch bệnh, tuyên truyền hướng dẫn cách phòng bệnh và điều trị cho học sinh. Cùng với đó, thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, khử khuẩn các lớp học, đồ chơi, đồ dùng học tập và môi trường xung quanh trường.
Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm.
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết có chứa vi rút gây bệnh. Một trong các chủng gây bệnh là EV71 có thể gây các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc phòng ngừa và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh thân thể và vệ sinh thực phẩm là biện pháp chủ yếu phòng bệnh cho trẻ.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc