Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới ở vùng căn cứ

09:16, 30/04/2025

Từ vùng đất bị bom đạn chiến tranh, chất độc hóa học tàn phá trơ trọi, sau 50 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều vùng căn cứ cách mạng đã hồi sinh mạnh mẽ...

Xanh lên từ miền lửa đạn

Xã Khuê Ngọc Điền trước đây là dinh điền Khuê Ngọc Điền được thành lập năm 1959, nằm ngay cửa ngõ huyện H9 (huyện Krông Bông) nên có vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự và kinh tế. Trong những năm kháng chiến, khu căn cứ H9 mà trọng điểm là xã Khuê Ngọc Điền trở thành mục tiêu đánh phá quyết liệt của Mỹ - ngụy bằng các cuộc hành quân càn quét và ném bom, pháo kích dữ dội.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do hứng chịu nhiều bom đạn, chất độc hóa học, gồm cả chất độc dioxin trong những năm kháng chiến chống Mỹ nên phần lớn đất đai của xã bị hoang hóa, cây cối trụi lá, chết dần; dòng sông, nguồn nước bị nhiễm độc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân xã Khuê Ngọc Điền tích cực đào đắp kênh mương, làm đập thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Đặc biệt, khi công trình thủy lợi Krông Kmar được đưa vào sử dụng năm 1979 đã tạo điều kiện cho bà con thâm canh, mở rộng diện tích sản xuất lúa nước hai vụ với 162 ha.

Người dân buôn Đắk Tuôr đầu tư, chăm sóc vườn cà phê xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh tập trung khôi phục sản xuất, xã Khuê Ngọc Điền cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, điện, đường, trường, trạm và nhiều công trình phúc lợi dân sinh góp phần nâng cao đời sống người dân. Truyền thống cách mạng trong kháng chiến đang được chính quyền và nhân dân xã phát huy trong công cuộc dựng xây, phát triển kinh tế. Những quả đồi từng bị trơ trọi bởi bom đạn chiến tranh dần được thay thế bởi màu xanh trù phú của ruộng lúa, vườn cà phê xanh mướt. Len lỏi đến từng thôn, buôn là những con đường trải nhựa, thảm bê tông phẳng lì. Xã Khuê Ngọc Điền hôm nay nhộn nhịp, đổi thay từng ngày nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bà Trần Thị Khuê, Phó Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền cho biết, năm 2024 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53 triệu đồng/năm (tăng gấp 151,4 lần so với năm 1998); tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường liên thôn của xã đạt 98%; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,98%; đến nay xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) người dân càng phấn khởi vì được nhà nước đầu tư trạm bơm Kỳ Vinh (thôn 1) và trạm bơm Đồi Sơn (thôn 12) với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của xã, giúp người dân mở rộng diện tích trồng lúa, dự kiến hỗ trợ nước tưới cho khoảng 200 ha cây trồng các loại.

Cuộc sống mới ở buôn Đắk Tuôr

Từ vùng căn cứ cách mạng từng hứng chịu sự bom đạn, càn quét của quân địch trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, sau 50 năm giải phóng, diện mạo của buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đang đổi thay từng ngày. 

Trong giai đoạn 1965 – 1975 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, người dân buôn Đắk Tuôr có vai trò quan trọng trong nuôi giấu và bảo vệ cán bộ cách mạng khi vừa làm nhiệm sản xuất, vừa làm giao liên, vận chuyển lương thực, thuốc men, canh gác cho các cuộc họp bí mật, cảnh báo khi có địch càn quét… Dù phải thường xuyên đối mặt với bom đạn của kẻ thù, bà con buôn Đắk Tuôr vẫn quyết tâm một lòng cùng cán bộ, bộ đội phục vụ kháng chiến cho đến ngày toàn thắng.

Người dân buôn Đắk Tuôr vẫn giữ gìn nhà sàn truyền thống.

Theo lời kể của già làng Y Zăh Niê, sau ngày giải phóng, cả buôn chỉ lác đác vài ngôi nhà tranh vách nứa, bà con vẫn chủ yếu sống theo kiểu du canh du cư nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Trải qua nửa thế kỷ, nhờ sự quan tâm của Đảng, các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương đã giúp bà con trong buôn có điều kiện phát triển về mọi mặt. Từ một vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá thì nay diện mạo buôn Đắk Tuôr đã thay da đổi thịt.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện tập trung các nguồn lực để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế. Từ nguồn lực của Chương trình 135, 167, 1719… bà con buôn Đắk Tuôr đã được hỗ trợ vật nuôi, cây giống và vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong buôn thay đổi tư duy làm ăn, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất; mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi…

Nhờ vậy, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả, thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/năm. Theo ông Y Thu Niê, Trưởng buôn Đắk Tuôr, toàn buôn hiện có 173 hộ (hơn 850 khẩu), với 99% là đồng bào M’nông. Vài năm trở lại đây, giá các loại nông sản tăng cao nên bà con đều phấn khởi, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Hiện toàn buôn có 30 ha lúa nước trồng hai vụ, hơn 50 ha cà phê và quy mô đàn bò trên 300 con. Đến nay buôn không còn nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 40% (giảm 20% so với năm 2023). Hệ thống kết cấu hạ tầng như điện, đường giao thông, trường học, nhà văn hóa… đã được đầu tư đồng bộ; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc M’nông được gìn giữ và phát huy.

Như Quỳnh - Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc