Multimedia Đọc Báo in

Thanh lọc trí tuệ nhân tạo để tránh lừa đảo

09:38, 20/07/2025

Các mạng xã hội và nền tảng chia sẻ trực tuyến đã bắt đầu có những bước thanh lọc đối với những sản phẩm thông tin và hình ảnh do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, nhằm bảo vệ người dùng khỏi bẫy lừa đảo trực tuyến.

Đại diện một số nhà mạng và hãng công nghệ cho rằng, đã đến lúc thế giới cần nhận chân rõ hơn những giá trị thông tin xác thực do con người làm nên và những sản phẩm giả lập khác nhau từ AI mang lại. Điều này cực kỳ cần thiết bởi sau một thời gian ngắn tự do phát triển, AI đã có những bước tiến triển trong khi cảm tính, nhận thức chung của số đông chưa theo kịp, dẫn đến những nguy cơ nhầm lẫn hư thực, vi phạm bản quyền sáng tạo và tạo nên những môi trường nguy hiểm.

Ảnh: Hồng Sơn
Cán bộ, phóng viên, nhân viên Cơ quan Thường trú VOV khu vực Tây Nguyên thực hành ứng dụng AI để sản xuất Podcast. Ảnh minh họa: Hồng Sơn

Lực lượng an ninh mạng một số quốc gia châu Âu mới đây đã chỉ ra, có quá nhiều sản phẩm thông tin từ AI lan truyền trên không gian mạng đã tạo những nhầm lẫn ở người dùng, đặc biệt với thế hệ trẻ. Bởi lợi thế về nguồn dữ liệu số và công nghệ sử dụng của người dùng ngày càng nhiều hơn, các sản phẩm do AI tạo ra đang ngày càng chiếm lĩnh những phương diện cung cấp thông tin đơn giản và một chiều. Các dạng dùng thông tin như làm bài tập, soạn dữ liệu số, tổng hợp những thông tin theo cú pháp, lệnh tìm kiếm… đang được dùng ngày một nhiều hơn và qua đó biến các công cụ AI thành thông minh hơn. Hệ lụy là đến khi những sản phẩm này được dùng ngược lại trong cộng đồng xã hội, sẽ rất dễ khiến nhiều người tin tưởng tuyệt đối tính chân thật của dữ liệu và sử dụng một cách máy móc, gây ra những nhầm lẫn, sai lệch.

Một số nhà nghiên cứu đã thử dùng AI vào việc chẩn đoán bệnh tật, sử dụng phác đồ y tế, chọn mua thuốc… và đã thu được những kết quả tổng hợp thông tin tưởng chừng rất đáng tin cậy. Nếu chỉ dựa vào những dữ liệu này mà không có sự tham vấn, kiểm chứng lại từ người có chuyên môn như dược sĩ, bác sĩ, sẽ có rất nhiều người nhầm lẫn dùng theo và gặp nguy hiểm.

Một số trường hợp khác đã thử nghiệm so sánh các dữ liệu thông tin chính trị, lịch sử xã hội… với các công cụ AI khác nhau và phát hiện ra những sai sót nghiêm trọng khi các dữ liệu được lắp ghép lại tùy tiện. Nhiều thông tin do AI đưa ra khi có yêu cầu đã sai lệch so với thực tế nhưng do trình bày rất khéo léo và trôi chảy, sẽ rất dễ đánh lừa người dùng. Điều này dễ dẫn đến những nghi ngờ của người dùng AI khi tiếp cận các vấn đề thời sự, xã hội và cả kiểm chứng lịch sử.

Tất cả cho thấy những dữ liệu tổng hợp là nguồn khai thác chính của AI, có điều không phải dữ liệu nào cũng chính xác. Một nhà nghiên cứu nhìn nhận, nếu có một công cụ AI được nhiều nhóm người dùng cố tình đưa các dữ liệu sai lệch, “phản sử” vào trong, tương tác nhiều lần, sẽ dần dần tích hợp những thông tin không chính xác và dài lâu về sau sẽ gây ra những hệ lụy. Nếu đó là những thông tin qua video, hình ảnh trực quan sẽ dễ tiếp cận người dùng và lây lan, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức tâm lý xã hội.

Bởi những nguy cơ này, các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng đã kiến nghị các mạng xã hội, môi trường chia sẻ thông tin, công nghệ phải lập tức tăng cường kiểm tra các sản phẩm từ AI cung cấp. Nhiều trường học, viện nghiên cứu, thư viện số, nhà xuất bản… đã phải lập tức vào cuộc về vấn đề này, để ngăn chặn những khả năng nhầm lẫn học thuật, đánh lừa thông tin tác quyền, giả mạo tác phẩm và sáng chế. Trên không gian mạng, những chiêu trò giả lập thông tin, “câu view” của người dùng có chủ đích, sử dụng AI tạo những dữ liệu giả lập không chính xác cũng đang là đối tượng phải thanh lọc ngay.

Cảnh báo của các cơ quan an ninh mạng và lực lượng chức năng trong nước hiện nay cũng đã đề cập đến các nguy cơ người dùng bị lừa đảo, bị tấn công mạng, gây nhầm lẫn thông tin và hiểu sai các sự việc, khi theo dõi, sử dụng các dữ liệu, sản phẩm do AI tạo ra. Cơ quan chức năng đã cảnh báo người dùng các mạng xã hội hết sức thận trọng, tỉnh táo trước những dữ liệu mơ hồ, nhất là có dấu hiệu do công cụ AI soạn. Điều đáng nói là hầu hết các dữ liệu từ AI lại thường có tính chất hài hước, hình ảnh gần gũi, đẹp mắt… rất dễ thu hút người dùng quan tâm, qua đó dần dần tác động thông tin và cảm xúc người dùng.

Theo các cơ quan chức năng, thanh lọc thông tin tạo ra từ AI, bảo đảm giúp người dùng tránh bị những nguy hại, nhầm lẫn, nhất là bị lừa đảo trực tuyến dưới nhiều hình thức là động tác cần thiết trong bối cảnh hiện nay và cần sự hợp tác của đa số người dùng.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.