Multimedia Đọc Báo in

Lo ngại tình trạng “mất dấu” người nhiễm HIV

10:32, 26/07/2025

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua, tình trạng “mất dấu” người nhiễm HIV là một vấn đề đáng lo ngại tại địa phương.

Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây gián đoạn điều trị, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng và ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.

Nhiều nguyên nhân gây “mất dấu”

“Mất dấu” được hiểu là người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV nhưng không đến cơ sở y tế nhận kết quả hoặc không quay lại để được điều trị; người đang điều trị thuốc kháng virus ARV nhưng tự ý bỏ điều trị, không tái khám, không tuân thủ phác đồ điều trị khiến tải lượng virus không được kiểm soát. Tình trạng này không chỉ gây trở ngại cho cá nhân người nhiễm mà còn là nguy cơ lớn cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch HIV đang có xu hướng trẻ hóa và lan rộng ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Qua phân tích cho thấy, tình trạng “mất dấu” xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến như tâm lý sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử: nhiều người sau khi biết mình nhiễm HIV đã rơi vào trạng thái sợ hãi, xấu hổ, lo lắng bị cộng đồng xa lánh nên tránh tiếp xúc với cơ sở y tế. Cùng với đó là do thiếu kiến thức và niềm tin về việc điều trị HIV bởi một bộ phận người nhiễm cho rằng HIV là “án tử” không thể chữa trị, từ đó không hợp tác điều trị hoặc nghi ngờ hiệu quả của thuốc ARV. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân xuất phát từ việc khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế bởi một số cơ sở không có thuốc ARV buộc phải chuyển bệnh nhân đến nơi khác, gây bất tiện.

Ngoài ra, thời gian trả kết quả xét nghiệm HIV khẳng định cũng có thể khiến người bệnh thay đổi ý định, rời khỏi địa phương hoặc không quay lại; do rào cản về địa lý, kinh tế và hành chính (người dân vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về chi phí đi lại, thiếu giấy tờ tùy thân hoặc không có bảo hiểm y tế nên e ngại việc điều trị lâu dài); hoặc người bị nhiễm bệnh chuyển địa bàn sinh sống nhưng không thông báo với cơ sở y tế, không tiếp tục điều trị tại nơi mới. Thêm vào đó, việc chia sẻ và kết nối thông tin bệnh nhân giữa các tuyến (xã, tỉnh) còn hạn chế, gây khó khăn trong việc truy vết, theo dõi và quản lý người nhiễm.

Theo thống kê của CDC tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2024, khu vực phía Tây Đắk Lắk phát hiện 101 trường hợp nhiễm HIV mới, nâng tổng số người nhiễm HIV còn sống đang được quản lý là 1.630 trường hợp, trong đó có 843 người đang điều trị ARV. Tuy nhiên, đã ghi nhận 25 trường hợp từng điều trị nhưng hiện không còn tái khám tại các cơ sở điều trị (bỏ trị). Riêng tại bộ phận tư vấn xét nghiệm tự nguyện, trong số 323 trường hợp được tư vấn và làm xét nghiệm, phát hiện 34 ca dương tính, nhưng có tới 7 trường hợp (20,5%) không quay lại nhận kết quả và điều trị – bị xem là “mất dấu” ngay từ đầu.

Tính đến tháng 6/2025, tỷ lệ này ở mức 17,8% (5/28 trường hợp không nhận kết quả dương tính). Những trường hợp này có nguy cơ cao tái phát bệnh, lây nhiễm cho người khác và tử vong sớm do không được điều trị liên tục. Tình trạng “mất dấu” xảy ra phổ biến hơn ở vùng sâu, vùng xa - nơi giao thông khó khăn, đời sống người dân còn thấp và sự kỳ thị HIV vẫn còn khá nặng nề.

Bệnh nhân nhận thuốc ARV tại khoa Phòng chống HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk.

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để giải quyết hiệu quả tình trạng “mất dấu” người nhiễm HIV, cần tăng cường tư vấn và truyền thông cá nhân ngay từ giai đoạn xét nghiệm sàng lọc để người nghi nhiễm hiểu rõ quy trình, vai trò của điều trị sớm và trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó, cần thực hiện quy trình trả kết quả xét nghiệm nhanh chóng, tránh để người bệnh chờ lâu, bảo vệ tuyệt đối thông tin cá nhân; triển khai mô hình “Test and Treat” (xét nghiệm - điều trị: mô hình chiến lược y tế công cộng, tập trung vào phát hiện sớm người mắc bệnh thông qua xét nghiệm chủ động và điều trị ngay lập tức nếu phát hiện bệnh) tại các cơ sở đủ điều kiện; chuẩn bị sẵn quy trình cấp thuốc ARV ngay trong ngày nếu có kết quả dương tính khẳng định, đảm bảo bệnh nhân được tiếp cận điều trị sớm nhất.

Tăng cường truy vết và giám sát chủ động: cơ sở điều trị phối hợp cùng CDC và chính quyền địa phương trong xác minh thông tin, truy tìm người bệnh “mất dấu”, đặc biệt là các trường hợp chưa từng điều trị; phối hợp liên ngành, liên cấp huy động sự tham gia của chính quyền, tổ dân phố, cộng tác viên y tế, cán bộ thôn, buôn trong giám sát cộng đồng, nhắc nhở và hỗ trợ người nhiễm duy trì điều trị. Cùng với đó, cần mở rộng mô hình điều trị HIV thân thiện, linh hoạt bao gồm cấp thuốc nhiều tháng, phát thuốc tại trạm y tế xã, tích hợp điều trị HIV với các dịch vụ y tế khác để thuận tiện hơn cho người bệnh; đẩy mạnh truyền thông chống kỳ thị, truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội, tờ rơi… giúp cộng đồng hiểu rằng HIV là bệnh mạn tính có thể điều trị kiểm soát được, từ đó giảm kỳ thị và hỗ trợ người bệnh hòa nhập xã hội.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải quyết thủ tục hành chính
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải quyết thủ tục hành chính đang được tỉnh Đắk Lắk chú trọng triển khai. Các ứng dụng AI đã và đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ đắc lực người dân và cán bộ, công chức trong việc cung cấp, tra cứu thông tin, xử lý hồ sơ nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thời gian và chi phí đi lại.