Mang Tết đến Trường Sa
Khi bông mai trên cành đang hé nụ đón xuân Giáp Thìn năm 2024 cũng là lúc Đoàn công tác của Lữ đoàn 146 - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cùng 92 phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước sắp xếp hành trang ra thăm, chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Trong hải trình 18 ngày, Đoàn đã đến thăm các đảo Trường Sa, An Bang, Đá Đông, Đá Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Mỗi nơi đến thăm đều để lại những cảm xúc không thể quên.
Đúng 6 giờ 30 ngày 3/1, chuyến tàu mang số hiệu 561 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân rời quân cảnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) mang theo hơi ấm từ đất liền ra đảo xa để quân, dân nơi đây vui xuân, đón Tết. Hàng chục tấn quà, là nhu yếu phẩm ngày Tết như: cây quất, gạo nếp, lá dong, thịt heo, bánh, mứt, kẹo… cùng nhiều vật dụng như: Tủ bảo ôn, quạt điện, khay nhựa để trồng rau… được xếp gọn gàng, ngăn nắp trên tàu.
Nhu yếu phẩm được đưa lên tàu mang ra đảo. |
Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: Những món quà này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cũng như các cơ quan, tổ chức và nhân dân nơi đất liền gửi gắm đến quân - dân Trường Sa. Đây là nguồn động viên rất lớn, tiếp thêm năng lượng đối với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đầu sóng, ngọn gió. Qua đây, các cán bộ, chiến sĩ thêm yên tâm, phấn khởi, bám nắm biển đảo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; gửi trao đất liền niềm tin sắt son về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn được bảo vệ vững chắc.
Do thời tiết cuối năm gió to, sóng cả, tàu rung lắc mạnh nên nhiều thành viên trong đoàn bị say sóng. Tuy nhiên, với tình yêu biển đảo quê hương, tâm trạng háo hức mong được gặp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa, nên tất thảy đều vượt qua. Chị Đoàn Quỳnh Anh, phóng viên Báo Thừa Thiên - Huế bộc bạch: “Đây là lần thứ ba tôi tham gia cùng đoàn công tác ra Trường Sa để tác nghiệp. Mặc dù biết là sẽ khó khăn, vất vả vì cuối năm là mùa gió chướng, nhưng tôi vẫn xung phong đi để trải nghiệm thêm và có những tác phẩm phản ánh cuộc sống nơi đảo xa”.
Những cây quất từ đất liền mang ra đảo xa được chằng buộc cẩn thận trên tàu. |
Sau 36 giờ vượt hành trình hơn 250 hải lý từ quân cảnh Cam Ranh, điểm đầu tiên Đoàn đặt chân đến là thị trấn Trường Sa, nằm trên đảo Trường Sa. Đây là đảo có diện tích lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, xen kẽ những mái nhà dân, các cơ quan, công sở, trường học, trạm y tế và ngôi chùa là hàng vạn cây xanh tỏa bóng mát hiền hòa. Giữa bốn bề sóng vỗ, quân và dân trên đảo vẫn luôn gắn bó một nhà. Trong không khí Tết cận kề, ai cũng hân hoan khi thấy đoàn ra thăm, chúc Tết.
Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa cho hay, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đảo Trường Sa đã từng bước được nâng cao. Hệ thống điện sinh hoạt, cáp truyền hình, sóng điện thoại bao phủ rộng khắp.
Sóng lớn, xuồng chở đoàn công tác khó cập đảo An Bang, các chiến sĩ phải hỗ trợ kéo vào. |
Khu nhà ở của các hộ dân trên đảo được xây dựng liền kề, trước cổng là dãy cây tra, dừa, bàng vuông tỏa bóng mát cho các cháu nhỏ đạp xe nô đùa thỏa thích. Trong nhà có đầy đủ các vật dụng sinh hoạt thiết yếu, như ti vi, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện… Anh Vi Hà Nam, một người dân sinh sống trên đảo tâm sự: “Cuộc sống của bà con cơ bản đầy đủ. Ban ngày, các con đi học, chúng tôi cũng trồng rau, nuôi gà, tăng gia sản xuất và tham gia các công việc của đảo.
Trên chiếc xuồng nhỏ đưa đoàn phóng viên từ tàu 561 (neo bên ngoài) vào đảo Đá Tây, Trung tá Nguyễn Văn Tân, nhân viên quân y Lữ đoàn 146 cho hay, 7 năm trước, khi anh còn làm quân y trên đảo Đá Tây, nơi này chỉ lưa thưa vài bóng cây. Giờ đây, đảo có rất nhiều cây xanh được trồng theo hàng lối rất đẹp mắt. Hàng loạt công trình được xây dựng như nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, chùa Đá Tây, trường học, trung tâm y tế… tạo nên diện mạo mới đầy khởi sắc.
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây còn luôn làm tốt việc cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân khai thác hải sản. Mỗi năm có hàng trăm ngư dân được hỗ trợ về lương thực, thuốc men, nước ngọt khi tham gia đánh bắt hải sản trên biển không may gặp nạn. Hiện, đảo đã được Bộ NN-PTNT thành lập Trung tâm Hậu cần nghề cá để hỗ trợ thu mua hải sản, bán đá ướp cá, dầu diesel, sửa chữa tàu thuyền…, giúp ngư dân đã yên tâm vươn khơi bám biển.
Các chiến sĩ trẻ ở đảo Trường Sa vui xuân bên cây đàn gitar. |
Chia tay quân và dân trên các đảo, con tàu 561 đưa Đoàn chúng tôi lướt sóng dần xa, mang theo trong lòng bao cảm xúc đầy vơi. Vẫy tay chào những người lính biển, chúng tôi trở về với phố thị thân quen. Chia tay các anh mà lưu luyến bao điều...
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc