Multimedia Đọc Báo in

Tự hào bộ đội Cụ Hồ

08:26, 09/01/2024

Trong bom đạn chiến tranh, họ được tôi rèn, luyện chí bền gan; trong hòa bình dựng xây đất nước, bầu nhiệt huyết cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân luôn thường trực… Thời nào cũng thế, họ luôn tự hào với danh xưng: bộ đội Cụ Hồ.

Hơn 40 năm quân ngũ, 30 năm trên chiến trường

Gần 80 tuổi nhưng Đại tá Phạm Hồng Sơn, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vẫn nói cười hào sảng hệt như ngày còn ở chiến trường. Ký ức của ông vẫn khắc sâu thời hoa lửa, bởi với ông đấy là niềm kiêu hãnh, tự hào của một thời tuổi trẻ.

Tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, Phạm Hồng Sơn (quê huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) từng lăn xả khắp chiến trường, với nhiều cương vị, chức trách khác nhau. Năm 1976, ông bắt đầu lên chiến trường Tây Nguyên với chức trách là Chính trị viên Tiểu đoàn 83 tỉnh Quảng Ngãi với nhiệm vụ tham gia truy quét FULRO và bảo vệ biên giới Tây Nam trước sự xâm lược của quân Pol Pot, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Trong 40 năm trong quân ngũ, có gần 30 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường, ông không nhớ hết đã bao lần bản thân ở giữa ranh giới sinh - tử.

Đại tá Phạm Hồng Sơn (thứ ba từ trái sang) trong một dịp về thăm lại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Lần bị thương nặng và để lại nhiều di chứng nhất đến nay là năm ông mới hai mươi tuổi (năm 1966). Khi ấy, ông là Chính trị viên phó xã đội (thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được giao nhiệm vụ cùng đồng đội đánh địch ở khu vực huyện Bình Sơn. Bị trúng lựu đạn của địch, ông bị đa chấn thương, bàn tay phải mất lực, trở nên co quắp. Cho đến nay, nhiều mảnh đạn vẫn còn găm trong cơ thể. Biết khiếm khuyết ấy gây cản trở cho quá trình hoạt động cách mạng, ông quyết tâm biến tay trái thành tay thuận để có thể viết, bắn súng. Nghị lực tưởng như bình thường của người chiến sĩ tuổi đôi mươi năm ấy càng trở nên phi thường trong điều kiện ác liệt của thời chiến.

Một dịp khác vào năm 1978, chiếc xe chở cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 83 trên đường tiến về biên giới Việt Nam - Campuchia đã không may vướng phải mìn chống tăng của địch. Tiếng nổ chát chúa cùng sức công phá mạnh của mìn khiến ông bị thủng màng nhĩ, chảy máu tai, một số anh em khác bị thương nặng…

Từng để lại một phần máu thịt trên chiến trường, nên hơn hết, ông luôn trân trọng tự do, hạnh phúc, tình cảm đồng chí, đồng đội. Khi còn công tác, hay đã nghỉ hưu, Đại tá Phạm Hồng Sơn luôn sống bình dị, hòa đồng với cán bộ, chiến sĩ, bà con xóm giềng. Chỉ cần có điều kiện, ông lại dành thời gian nói chuyện, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, con cháu trong gia đình bằng chính những câu chuyện, những sự việc từng trải.

Vẹn nguyên tấm lòng người lính biên phòng

Cứ đến dịp Tết, gia đình Đại tá Nguyễn Lương Hòa, nguyên Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường tổ chức gói bánh chưng xanh để gửi tặng nhân dân vùng biên giới. Sợi dây nghĩa tình ấy được kết nối là bởi, gần nửa đời người ông là chiến sĩ quân hàm xanh, cuộc đời binh nghiệp gắn liền mật thiết với mảnh đất biên cương và ông quá thấu hiểu những nhọc nhằn, khó khăn của người dân biên ải.

Ông chia sẻ: “Khu vực biên giới của tỉnh có trên 60% đồng bào dân tộc sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, chiếm khoảng 55,7%. Chăm lo Tết cho bà con, những năm qua, bộ đội biên phòng vẫn thường phối hợp tổ chức chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản”, trong đó có gói bánh chưng tặng người nghèo. Vậy nên gia đình cũng muốn tham gia góp chút quà tặng bà con năm mới”.

Đại tá Nguyễn Lương Hòa (thứ hai từ phải sang) trò chuyện cùng các cán bộ hưu trí trong khu phố.

Nghĩ là làm, vợ chồng ông chọn mua nếp dẻo, thịt ba chỉ tươi ngon, nhân đậu xanh, lá dong, lá chuối để làm bánh. Vui tham gia cùng, con cháu, người thân cũng chung tay cắt lá, đong nguyên vật liệu đổ vào khuôn sao cho chiếc bánh chưng vừa ngon lại vừa đẹp mắt. Mất khoảng hai ngày rục rịch chuẩn bị, canh nồi bánh chưng nóng hổi, gia đình ông tạo thành phẩm, để khô ráo mới đóng gói, hút chân không kỹ lưỡng, giúp tăng thời hạn sử dụng cho khoảng 400 chiếc bánh, vừa bảo đảm thơm ngon, lại đậm ân tình người gửi tặng.

Không chỉ gói bánh, khi đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lụt vào năm 2020, gia đình ông đã chủ động chia sẻ vật chất, vận động những tấm lòng thơm thảo cùng hướng về vùng bão lụt. Mọi người dành nhiều ngày liền để thu gom, gói ghém lương thực, sắp xếp quần áo cũ để kịp gửi theo bao chuyến xe nghĩa tình hướng về miền Trung, góp phần động viên bà con ổn định cuộc sống, sớm khôi phục lại sản xuất.

Được địa phương tín nhiệm, từ năm 2022 đến nay, ông tham gia làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố 13, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột - nơi có 230 đảng viên đang cư trú, trong đó có 71 đảng viên trực tiếp tham gia sinh hoạt. Ngày 31/12/2023, Chi bộ tổ dân phố 13 phát động quyên góp kinh phí để tặng quà Tết cho các hộ khó khăn trong nhân dân và được đông đảo mọi người hưởng ứng. Chỉ 4 ngày sau đó đã có gần 20 gia đình đảng viên ủng hộ với kinh phí gần 10 triệu đồng.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.