Multimedia Đọc Báo in

Sắt son lời thề giữ biển

08:14, 06/03/2024

Ở quần đảo Trường Sa, mặc dù điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, song những người lính vẫn vững vàng, kiên định, luôn mài sắc ý chí, chắc tay súng, đoàn kết một lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong hải trình đến thăm quần đảo Trường Sa cùng đoàn công tác của Lữ đoàn 146 - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân những ngày đầu năm 2024, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các chiến sĩ Hải quân. Giữa muôn trùng sóng vỗ, nụ cười rắn rỏi đầy lạc quan vẫn luôn nở trên môi những người lính trẻ mang trong mình niềm tự hào tiếp bước cha ông. Mặc cho “nắng bỏng da, mưa rát mặt”, họ vẫn hiên ngang ngày đêm bên nhau canh giữ biển trời, góp tuổi thanh xuân bảo vệ thành trì của Tổ quốc trên biển.

Các chiến sĩ Hải quân chào tạm biệt đất liền ra đảo nhận nhiệm vụ.

“Đen hết cỡ rồi, bây giờ nắng, gió phải sợ mình, chứ mình không sợ nữa. Em rất vinh dự, tự hào khi công tác ở đảo Trường Sa”- chàng lính trẻ Lê Văn Kiệt (quê Bình Thuận) bày tỏ. Tròn 20 tuổi, Kiệt xung phong nhập ngũ và được phân công đến đảo Trường Sa. Vốn ở miền biển, quen với nắng gió nhưng khi đặt chân lên đảo Trường Sa, Kiệt vẫn phải làm quen và thích nghi dần với khí hậu khắc nghiệt cũng như điều kiện còn khó khăn ở nơi đây. Sau hơn 6 tháng gắn bó, rèn luyện ở đảo, Kiệt trở nên rắn rỏi cả về thể chất lẫn trong suy nghĩ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ  được giao.

Câu chuyện của chúng tôi dừng lại khi bắt gặp hình ảnh hai người lính dành cho nhau những cái ôm bịn rịn trước lúc chia tay. Đó là chiến sĩ Ngô Triều Tiến Quốc (SN 2002, quê huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) mới hoàn thành nhiệm vụ trên đảo, chuẩn bị ra tàu để vào đất liền và Tạ Nguyên Quang (SN 2003, quê huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mới đặt chân đến đảo nhận nhiệm vụ. Trước lúc rời đảo, Quốc xúc động: “Mặc dù về đất liền nhưng trái tim em luôn neo ở đảo, nơi có những đồng đội mình luôn ngày đêm vững tay súng, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc”.

Trò chuyện với Quang, được biết, em là giáo viên Trường Tiểu học số 1 Bình Hải (huyện Bình Sơn), năm 2023, đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Tưởng đã quen với nắng gió miền biển, nhưng hải trình đến với Trường Sa gian nan ngoài sức tưởng tượng của Quang.

“Chuyến đi mùa này, biển động, sóng cao, tàu lắc lư theo từng cơn sóng khiến một người lớn lên ở vùng biển như em cũng bị say sóng, nôn ói suốt hành trình. Thế nhưng, khi nghe thông báo tàu sắp đến đảo Trường Sa, em và các chiến sĩ lập tức bật dậy, chạy vù ra cabin. Nhìn hòn đảo từ xa, với màu xanh của những hàng cây bàng vuông, bão táp, phong ba, ai cũng lặng người, trào dâng niềm xúc động khôn xiết. Em cũng tự hứa với bản thân sẽ nỗ lực rèn luyện, cống hiến sức trẻ cho biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Quang chia sẻ.

Trong mọi hoàn cảnh, công tác trực sẵn sàng chiến đấu luôn được đặt lên hàng đầu.

Rời đảo Trường Sa, Đoàn tiếp tục hải trình đến đảo An Bang. Vì điều kiện địa hình, thời tiết bất thường nên tàu 561 chúng tôi phải neo cách đảo khoảng 2 hải lý (khoảng gần 4 km), sau đó hạ xuồng vận chuyển người, phương tiện vào đảo. An Bang được ví như “lò vôi” giữa biển, bởi thời tiết quanh năm rất nóng. Và với những ai đã từng đến đây đều cảm nhận một cách chân thực nhất về sự khắc nghiệt của biển cả.

Đảo nằm trên đỉnh thềm san hô hình cây nấm, được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Sóng ở đảo rất dữ dội, cứ trùng trùng, lớp lớp vây quanh. Có những lúc sóng cao trùm cả cột đèn chiếu sáng hơn 6 m trên đảo. Tàu lớn không thể tiến gần bờ vì bước chân ra đã là mép biển xanh thẫm, với thềm san hô dựng đứng như chông. Khó khăn là vậy, nhưng những người lính nơi đây vẫn đứng hiên ngang giữa mây, trời, sóng nước mênh mông, kiên trung chắc tay súng.

Khi được hỏi về đặc thù lính đảo An Bang, Đại úy Phan Văn Anh, Chính trị viên của đảo chia sẻ: Do thường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong, nên đảo đã thành lập đội đặc biệt gọi là “Đội cảm tử” gồm các chiến sĩ không chỉ khỏe mạnh, giỏi bơi lội, mà còn có lòng dũng cảm, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy sóng gió. Ngoài nhiệm vụ tập luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, họ còn có trách nhiệm đón đưa khách, vận chuyển hàng hóa, kéo xuồng để giúp những chuyến ra/vào đảo được an toàn. Đây là một nhiệm vụ, nhưng cũng là bài tập để rèn luyện sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

"Đội cảm tử " hỗ trợ kéo xuồng đưa đoàn công tác vào đảo An Bang.

Hải trình 18 ngày đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có lẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất không chỉ của riêng tôi mà tất cả các thành viên trên tàu 561. Đó là giờ phút chia tay đầy nghẹn ngào ở đảo Trường Sa, là những câu chuyện kể, cái bắt tay ấm áp nghĩa tình, là giây phút xúc động khiến ai nấy đều rưng rưng trước lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ...

Tất cả đã trở thành trải nghiệm không thể quên đối với mỗi người. Và hơn hết, chính là tình yêu quê hương, niềm tự hào về những người lính anh dũng, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc