Thêm xanh Trường Sa
Giữa điệp trùng sóng gió, ai cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi đảo Trường Sa hiện ra xanh biếc trên đại dương mênh mông. Ở đây không chỉ có các loài cây đặc trưng như phi lao, phong ba, bão táp, tra, bàng vuông, mà còn có nhiều hoa trái được ươm từ đất liền...
Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, trên đảo, thời tiết quanh năm nắng nóng, chất đất chủ yếu là cát và san hô. Mùa mưa bão gió rất mạnh, nước mặn xâm nhập, còn mùa khô lại thiếu nước ngọt. Các loài cây ở đây luôn phải chống chọi với sự khắc nghiệt của điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Vì vậy, để có những rặng cây cối xanh tươi, tỏa bóng mát trên đảo không hề dễ dàng.
Các chiến sĩ Hải quân chăm sóc vườn ươm cây giống trên đảo Trường Sa. |
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ đất liền, để cải tạo không gian sống, Ban Chỉ huy đảo đã phát động phong trào mỗi cán bộ, chiến sĩ, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại đảo có trách nhiệm trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng thành công ít nhất 10 cây xanh. Các đơn vị đóng quân cũng xây dựng một vườn ươm tại chỗ để cung ứng, nhân rộng cây giống. Khi đưa cây ra trồng, các cán bộ, chiến sĩ phải bọc màng lưới kín để che chắn gió muối và sóng biển.
Năm 2023, các cấp, ngành, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc đã gửi quân và dân Trường Sa hơn 204.200 cây giống, hàng chục nghìn tấn đất và 120,5 tấn phân bón. Ngoài ra, để chủ động tạo giống cây trồng, Vùng 4 Hải quân còn thiết lập hai vườn ươm với tổng diện tích khoảng 3.000 m2; nghiên cứu kỹ thuật, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để chăm sóc tốt cây con trước khi được đưa ra trồng trên các đảo. |
Các đảo An Bang, Đá Đông, Đá Tây B, Đá Tây C… nằm trên rạn san hô, thời tiết quanh năm khắc nghiệt, lại không có đất trồng cây. Thế nhưng, đến nay, các đảo đều đã khoác trên mình màu xanh tươi mát với đa dạng các loại từ cây che bóng đến cây ăn trái và cả những giàn hoa giấy, hoa lan…
Thiếu tá Trần Văn Thơ, Chính trị viên đảo Đá Tây B cho biết: “Để có được không gian xanh mát, chúng tôi đã tận dụng các thùng xốp, can nhựa, thậm chí là vỏ phích hỏng để trồng cây. Đất, phân bón và cây được các cán bộ, chiến sĩ mỗi lần ra đảo công tác mang theo.
Để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên đảo không phải là việc dễ dàng, ngay việc để những cây con nảy mầm đã đối diện với bao khó khăn, vất vả.
Người lính Hải quân nhiều khi phải "nhường" cho cây cả phần nước ngọt của mình. Cho nên mỗi một cây xanh sinh trưởng được trên đảo đều thấm đẫm công sức, mồ hôi của quân dân nơi đây”.
Chia sẻ về những nỗ lực xanh hóa Trường Sa, Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 kể, năm 2018, khi anh nhận nhiệm vụ làm Chính trị viên đảo Đá Tây A, nơi đây chỉ là bãi cát, đá san hô trắng xóa. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo bắt đầu “xắn tay” trồng phi lao, tra, bàng vuông. Hồi đó nước rất hiếm, cán bộ chiến sĩ phải dè sẻn từng ca đã qua sử dụng để tưới cho cây. Ngày nay, trên đảo Đá Tây A có đa dạng các loài cây. Và màu xanh nơi đầu sóng ngọn gió được ươm chính bằng tình yêu của những người lính.
Khuôn viên trên đảo Trường Sa rợp bóng cây xanh. |
Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân khẳng định: Nhờ sự chung sức từ nhiều nguồn lực cùng với những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo, huyện Trường Sa hôm nay được phủ lên một màu xanh tươi mát của hàng trăm loại cây trồng.
Trong đó, phải kể đến chương trình “Xanh hóa Trường Sa” theo tinh thần của Nghị quyết số 09-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết số 09), ngày 28/1/2022 Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc phủ xanh các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa vừa tạo cảnh quan đẹp, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, vừa đáp ứng định hướng phát triển kinh tế, quốc phòng. Cùng với đó “Xanh hóa Trường Sa” còn góp phần cải thiện điều kiện môi trường sống, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.
Thời gian qua, ngoài nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong đất liền, cán bộ, chiến sĩ Hải quân còn chủ động nghiên cứu và tích cực khắc phục điều kiện môi trường để tự ươm, chiết cành tại chỗ và nhân rộng diện tích cây xanh trên đảo. Đến nay, diện tích phủ xanh trên đảo đạt 80%.
Lê Quốc
Ý kiến bạn đọc