Multimedia Đọc Báo in

Bảo tàng Quân khu 5 - nơi tiếp lửa truyền thống

09:38, 26/05/2024

Tọa lạc tại số 3 đường Duy Tân, TP. Đà Nẵng, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5 (gọi tắt là Bảo tàng Quân khu 5) có diện tích rộng hơn 9 ha.

Bảo tàng được chia làm hai phần chính là khu trưng bày ngoài trời và các phòng trưng bày bên trong.

Ngoài trời bao gồm khuôn viên Nhà sàn Bác Hồ (theo tỷ lệ 1/1 đúng với di tích ở Thủ đô Hà Nội) với vườn cây, ao cá; khu vực trưng bày các vũ khí thể khối lớn như máy bay, xe tăng, xe bọc thép, pháo, các loại vũ khí của quân đội Pháp, Mỹ do bộ đội Khu 5 thu được và sử dụng “vũ khí địch đánh địch” trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Bên trong có bốn phòng trưng bày giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh; 12 phòng trưng bày thể hiện quá trình ra đời, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 từ ngày thành lập (16/10/1945) đến nay; một phòng trưng bày chuyên đề. Đặc biệt, ở đây có nhiều hình ảnh, hiện vật quý thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, hiệu quả của sức mạnh chiến tranh nhân dân ở Khu 5 trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, thể hiện tấm lòng son sắt, thủy chung của quân, dân Khu 5 đối với Bác Hồ và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với đồng bào, chiến sĩ Khu 5.

Người dân, học sinh tham quan bảo tàng.

Mỗi hiện vật trưng bày ở bảo tàng là một câu chuyện cảm động. Đại úy Nguyễn Vũ Hoài Linh, Trợ lý Ban Trưng bày - Tuyên truyền của Bảo tàng giới thiệu: “Ở đây có gần 400 hiện vật, tư liệu về Bác Hồ, trong đó, đa số đều được phục chế lại từ hiện vật, tư liệu gốc của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Riêng đối với các tư liệu, hiện vật thể hiện tình cảm mà quân và dân Khu 5 đối với Người đều là những hiện vật, tư liệu gốc. Trong đó có nhiều hiện vật, tư liệu như tấm ảnh Bác Hồ, chiếc áo do Bác tặng hay chiếc khăn quàng cổ, chiếc khăn thêu để tặng Bác… được quân và dân Khu 5 gìn giữ, cất giấu cẩn thận. Có nhiều trường hợp dù gặp hiểm nguy do địch lùng sục, tìm kiếm nhưng cán bộ, chiến sĩ ta vẫn sẵn sàng hy sinh để cất giữ, bảo vệ, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đem tặng lại cho bảo tàng”.

Bảo tàng cũng đang sở hữu nhiều tư liệu quý về cuộc đấu tranh, hy sinh vì dân tộc của cán bộ, chiến sĩ LLVT Khu 5. Đó là bộ khóa chốt chì của Anh hùng Liệt sĩ Đặng Tiến Lợi, được anh dùng để đánh mìn vào khu radar của Mỹ - ngụy ở bán đảo Sơn Trà vào ngày 15/8/1972; hay đôi dép của chị Phan Thị Mùa, nữ biệt động TP. Đà Nẵng bền bỉ vận chuyển 4 kg thuốc nổ để phá kho xăng của địch, phá hủy hàng triệu lít xăng, gây thiệt hại nặng cho kho xăng của Mỹ - ngụy ở Đà Nẵng…

Cán bộ, chiến sĩ tham quan Triển lãm tại bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc.

Tích cực đổi mới hoạt động trưng bày, hằng năm, Bảo tàng tổ chức và phối hợp thực hiện nhiều cuộc trưng bày, triển lãm tạo sự tương tác cao đối với khách tham quan như: Bác Hồ với công tác xây dựng Đảng; Bác Hồ với công tác bầu cử Quốc hội; Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước; Chuyện kể về những vị tướng từng bị giam trong nhà tù thực dân; Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý; triển lãm chuyên đề “Đi qua cuộc chiến”… Bên cạnh đó, Bảo tàng còn tổ chức thi kể chuyện về Bác Hồ, về bộ đội Cụ Hồ thông qua những tư liệu, hiện vật được trưng bày; triển khai “Giờ học lịch sử tại Bảo tàng” cho học sinh…

Trung tá Thân Ngọc Huệ, Giám đốc Bảo tàng cho biết: “Được khởi công xây dựng từ năm 1976, trải qua quá trình phát triển, Bảo tàng Quân khu 5 đã đón hàng chục triệu lượt khách, trong đó có hơn 50 vạn lượt khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu. Nơi đây không những giúp công chúng được tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ kính yêu, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà còn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và địa bàn Khu 5 nói riêng”.

Đỗ Thị Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.