Multimedia Đọc Báo in

Đột phá, khắc phục khâu yếu, mặt yếu ở Trung đoàn 584

08:40, 09/08/2024

Trung đoàn 584 là đơn vị chủ lực của lực lượng vũ trang tỉnh. Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn những năm qua đã đạt nhiều thành tích nổi bật.

Đây là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn từ tập thể cán bộ, chiến sĩ; là thành quả của sự chủ động đề ra giải pháp đột phá, khắc phục khâu yếu, mặt yếu để nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ).

Ba “điểm nghẽn”...

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, Trung đoàn còn gặp một số khó khăn, thách thức.

Đơn vị vừa huấn luyện chiến sĩ mới, vừa huấn luyện chiến đấu, cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ SSCĐ. Địa bàn đóng quân, thực hiện nhiệm vụ rộng, nhiều bộ phận phân tán, nhỏ lẻ; trình độ, kinh nghiệm huấn luyện, khả năng xử lý tình huống trong SSCĐ của đội ngũ cán bộ chưa nhiều; đời sống gia đình của cán bộ còn nhiều khó khăn. Bộ đội có biểu hiện ngại khó, ngại khổ. Chất lượng huấn luyện, SSCĐ có những thời điểm (nhất là thời điểm năm 2019, 2020) còn bộc lộ nhiều khâu yếu, mặt yếu… Những vấn đề trên đã ảnh hưởng đến chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ của đơn vị.

Đảng ủy - Chỉ huy Trung đoàn 584 luôn quan tâm kiểm tra công tác huấn luyện ở đơn vị cơ sở.

Cuối năm 2019, Đảng ủy Trung đoàn đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn biện pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu đang tồn tại.

Thượng tá Cao Xuân Đức, Chính ủy Trung đoàn nhìn nhận: "Chúng tôi nhận thấy ba “điểm nghẽn” cơ bản, cũng là ba khâu yếu mà đơn vị đang đối mặt. Đó là hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng thấp; chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác huấn luyện còn hạn chế; thái độ trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong huấn luyện, rèn luyện có biểu hiện đơn giản, chủ quan, có tư tưởng ngại khó, ngại khổ; bệnh thành tích, che giấu khuyết điểm… Đơn vị đã mất hai năm (2019, 2020) để tìm các biện pháp đột phá nhằm khắc phục bằng được các khâu yếu, mặt yếu trong công tác huấn luyện, SSCĐ".

“Bốn đột phá” trong huấn luyện, SSCĐ

Lần lượt giải quyết bài toán khó, Đảng ủy - Chỉ huy Trung đoàn đã đề ra một số giải pháp đột phá.

Giải pháp được ưu tiên hàng đầu, mang tính quyết định, đó là chấn chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với công tác huấn luyện, SSCĐ.

Bắt đầu từ việc ra nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ, phải dành một thời lượng, dung lượng đủ lớn để bàn về những chủ trương, biện pháp rất cụ thể nhằm khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong huấn luyện, SSCĐ ở từng cấp, từng đơn vị với tinh thần: Quyết tâm phải cao, biện pháp phải hiệu quả, tinh thần phải quyết liệt, gắn trách nhiệm đến từng cá nhân.

Tổ chức thông qua giáo án huấn luyện cấp đại đội ở Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584.

Từ đầu năm 2020, Đảng ủy Trung đoàn đề ra chủ trương “3 có - 3 không - 3 biết - 3 khắc phục” trong rèn luyện, trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ.

Năm 2021, Đảng ủy Trung đoàn đề ra chủ trương “3 thông suốt” trong công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức huấn luyện; đồng thời đề ra biện pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra huấn luyện, SSCĐ: “Yếu ở khâu nào bồi dưỡng ngay ở khâu đó, huấn luyện đến đâu kiểm tra, chấn chỉnh khuyết điểm, hạn chế đến đó; sau kiểm tra phải khắc phục triệt để, kịp thời; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân chậm trễ khắc phục khuyết điểm sau kiểm tra”.

Năm 2022, Đảng ủy Trung đoàn tiếp tục đề ra mô hình “4 cùng, 4 nắm, 4 chủ động, 4 đồng hành” nhằm khắc phục các hạn chế, đồng thời nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, giáo dục rèn luyện bộ đội của đội ngũ cán bộ và các tổ chức trong đơn vị.

Từ những chủ trương rất cụ thể, quyết liệt đã định hướng, làm cơ sở chỉ đạo các cấp, các cơ quan, đơn vị, từng cá nhân khắc phục các khâu yếu, mặt yếu; từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn”, những vướng mắc cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Đột phá thứ hai là tập trung và quyết liệt trong sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, tích cực bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực huấn luyện cho cán bộ các cấp. Năm 2019, nhiều cán bộ trung đội, đại đội có tuổi đời trên dưới 40 tuổi; đa số cán bộ cấp trung đội, đại đội mới đạt trình độ cao đẳng; tỷ lệ cán bộ huấn luyện giỏi rất ít; nhiều người có hoàn cảnh gia đình khó khăn…

Từ thực trạng đó, Đảng ủy Trung đoàn mạnh dạn báo cáo và đề nghị Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh tạo điều kiện, sau đó xây dựng phương án đề nghị bổ sung, thay thế. Những cán bộ trung đội được đào tạo bài bản, công tác ở trung đội từ 4 - 5 năm thì mạnh dạn đề nghị lên đại đội phó; những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn và chưa học đại học thì đề nghị chuyển về địa phương để ổn định gia đình, thay thế cán bộ trẻ hơn.

Với cách làm này, đến cuối năm 2020, đội ngũ cán bộ cơ bản ổn định, nhiều người trẻ được bổ sung, nhiều nhân tố mới xuất hiện làm nòng cốt trong huấn luyện, SSCĐ cho đơn vị. Đến nay, Trung đoàn có 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó có 90% cán bộ tiểu đoàn, 81,6% trở lên cán bộ đại đội, trung đội đạt khá, giỏi.

Cùng với hai giải pháp trên, Đảng ủy – Chỉ huy Trung đoàn còn đặc biệt thực hiện tốt công tác tư tưởng, tâm lý cho bộ đội trước khi bước vào huấn luyện; coi trọng tổ chức hội thi, hội thao, bồi dưỡng tham gia các hội thi của các cấp để rèn luyện, nâng cao trình độ huấn luyện, SSCĐ.

Với những cách làm hiệu quả, sáng tạo, chất lượng huấn luyện, SSCĐ của Trung đoàn đã có chuyển biến tiến bộ, đạt đồng đều và vững chắc qua từng năm. Qua kiểm tra của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, của Quân khu 5 và của Bộ Quốc phòng đều đạt khá, giỏi. Từ những thành tích đó, những năm qua Trung đoàn 584 trở thành đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng; được Quân khu 5, Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.