Multimedia Đọc Báo in

Những mầm xanh ở Trường Sa

08:49, 03/09/2024

Đầu tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội được đến Trường Sa – lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển Đông.

Rất nhiều ấn tượng và thật nhiều cảm xúc, và hai điều khiến chúng tôi nhớ mãi là cây xanh và những đứa trẻ trên đảo – đều là những mầm xanh được ươm mầm, chăm chút, nâng niu…

Đảo xa rợp bóng cây xanh

Sau những ngày đêm lênh đênh trên biển khơi, giữa bốn bề mênh mông sóng nước, chúng tôi vỡ òa cảm xúc khi nhìn thấy đảo Trường Sa. Giữa nắng gió, đất trời bao la, giữa đại dương mênh mông, hòn đảo hiện lên giữa màu xanh dịu mát của cây cối. Để ươm mầm cho cây cối xanh tươi nơi đây là công sức của biết bao người lính, chắt chiu từng giọt nước ngọt để tưới mát cho cây.

Người lính Trường Sa không chỉ trồng cây mà còn thiết kế, sáng tạo nên những bồn hoa với những kiểu dáng sáng tạo, để hoa nở rực rỡ trong những tiểu hoa viên, khuôn viên nhà làm việc.

Đảo Đá Tây. Ảnh: Kim Liên

Ở những đảo nhỏ hay đảo chìm, không thể trồng cây trực tiếp trên đất thì các chiến sĩ trồng hoa, trồng rau vào chậu. Những chậu hoa giữa mặn mòi sóng gió biển cả vẫn vươn lên xanh tốt mơn mởn, thậm chí có loại còn tốt hơn trồng ở đất liền. Những chậu rau cải, rau muống, mồng tơi, những giàn bí trĩu quả, rất nhiều loại rau gia vị… vừa làm đẹp cảnh quan, vừa cung cấp nguồn rau xanh cho các cán bộ, chiến sĩ; và ấn tượng nhất là những chậu ớt đẹp lung linh trong nắng được các chiến sĩ trưng trên bệ cửa sổ phòng làm việc…

 

Các em sẽ nhớ mãi những vần chữ đầu tiên mình đánh vần trên đảo, những vần thơ ngân nga trong lớp học ghép, các bạn học và thầy cô đã gắn bó với nhau như một gia đình nơi đảo xa.

Những hạt giống cây từ đất liền, dưới bàn tay nâng niu, chăm bẵm của các chiến sĩ mà lớn lên, tỏa bóng xanh mát nơi đảo xa…

Ươm mầm con chữ giữa trùng dương

Trên đảo Trường Sa có ngôi trường tiểu học được xây dựng khang trang với lớp học, bàn ghế, trang thiết bị tiện nghi đầy đủ phục vụ việc học tập của gần 20 em nhỏ trên đảo.

Các em nhỏ trên đảo ở đủ mọi lứa tuổi, từ mầm non đến lớp 5. Do chỉ có chưa đến 20 học sinh nên mỗi dãy bàn là… một khối lớp, có dãy chỉ có 1 học sinh, có dãy thì 4 - 5 em. Các thầy cô được giao dạy cùng một lúc 2 - 3 khối, thậm chí 4 - 5 khối lớp; trong cùng một buổi học, các thầy cô vừa dạy toán cho các em lớp 4, dạy tiếng Việt cho các em lớp 3, rồi quay sang dạy đạo đức cho lớp 2, rèn chữ cho lớp 1. Bảng đen cũng được chia thành các phần tương đương với các dãy bàn (các khối lớp); giảng xong lớp này, giao bài tập cho các em rồi thầy cô lại vội vàng sang phần của lớp kia để các em không phải chờ đợi lâu. Các học sinh nhỏ cũng ngoan ngoãn ngồi theo các anh chị lớn, học bài của mình nhưng thỉnh thoảng liếc sang xem các anh chị đang say sưa giải toán khó.

Không biết thầy cô nơi đây đã phải soạn giáo án thế nào, sắp xếp lớp học và trình tự bài giảng ra sao để mỗi buổi lên lớp, các em học sinh đều chăm chú say mê với bài học của mình. Các thầy cô tình nguyện ra dạy học ở đảo với một tình yêu vô vàn các học trò, xem các em như con cái của mình.

Các em học sinh biểu diễn văn nghệ trong một buổi sinh hoạt tập thể trên đảo.

Giờ chơi, các em lại quây quần, xúm xít bên nhau như một gia đình, em lớn chỉ bài cho em nhỏ hơn, một em bày trò cho cả lớp cùng chơi. Cứ thế, cả sân trường đều rộn ràng trong nắng…

Ở lớp học của các cháu mầm non, thầy hiệu trưởng cũng chính là giáo viên kiêm bảo mẫu. Thầy tuy không còn trẻ để bày cho các cháu múa hát nhưng có ngại chi, những bài hát về biển đảo mà thầy dạy các cháu vẫn cứ vang lên trong trẻo, dễ thương trong mỗi dịp có đoàn khách ra thăm đảo, thăm trường, hay trong các dịp sinh hoạt của các chiến sĩ…

Khi lên lớp 6, các em học sinh nơi đây sẽ rời đảo về đất liền để tiếp tục việc học. Song, chắc chắn những năm tháng ươm chữ nơi đảo xa sẽ luôn là ký ức sâu đậm trong lòng các em. Các em sẽ nhớ mãi những vần chữ đầu tiên mình đánh vần trên đảo, những vần thơ ngân nga trong lớp học ghép, các bạn học và thầy cô đã gắn bó với nhau như một gia đình nơi đảo xa. Trong tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, dù sau này ở đâu, làm gì hẳn các em sẽ sống cuộc đời đầy cống hiến như các thầy cô giáo của các em, các chiến sĩ luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió…

Nguyễn Thị Tường Loan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.