Multimedia Đọc Báo in

“Sao vuông” tỏa sáng trong lòng dân

05:54, 22/09/2024

Không chỉ nghiêm túc trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng dân quân tự vệ - những người chiến sĩ “sao vuông” trên địa bàn tỉnh còn tích cực bám nắm địa bàn, giúp đỡ nhân dân trong các tình huống nguy nan, khẩn cấp.

Cuối tháng 8 vừa qua, địa bàn thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn kèm lốc xoáy. Ngay khi nắm được thông tin, các lực lượng, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự xã Cư Pui đã nhanh chóng có mặt hiện trường, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Trọng Hà, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã chia sẻ: Sau lốc xoáy, toàn thôn Ea Rớt có 55 nhà bị tốc mái, trong đó có 6 hộ bị tốc mái hoàn toàn, hơn 10 hộ bị hư hỏng khoảng 50 – 70% mái. Giúp bà con ổn định tâm lý, các chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng, địa phương tìm chỗ tạm trú cho những gia đình bị thiệt hại nặng nề; hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm, tích cực tham gia dựng lại nhà cửa, lợp mái tôn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, động viên bà con yên tâm lao động sản xuất.

Dân quân xã Cư Pui hỗ trợ ngày công giúp dân sửa sang nhà ở.

Đây không phải là lần đầu tiên các chiến sĩ “sao vuông” của xã Cư Pui “ghi điểm” trong lòng dân. Những năm qua, khi địa bàn Cư Pui nói riêng và Krông Bông nói chung gặp thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, các anh luôn là lực lượng xung kích, đi đầu. Các anh có mặt từ rất sớm và gần như là lực lượng bám nắm sau cùng ở những nơi nguy hiểm, thiệt hại nặng nề. Còn nhớ năm 2017, cơn bão số 12 di chuyển vào địa bàn huyện Krông Bông làm khoảng 400 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 35 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Dù nhà cũng bị tốc mái, nguồn sinh kế bị ảnh hưởng, song một số chiến sĩ dân quân vẫn tạm gác chuyện gia đình để chung tay giúp đỡ, ứng cứu kịp thời các hoàn cảnh cơ cực hơn sau bão…

Giúp dân bằng nhiều việc làm thiết thực, nghĩa tình cũng là điều mà các chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) thường xuyên thực hiện. Chỉ từ năm 2019 đến nay, lực lượng vũ trang xã đã phối hợp phát quang, sửa chữa gần 10 km đường giao thông nông thôn, nạo vét hơn 3 km kênh mương nội đồng; đóng góp ngày công tổng dọn vệ sinh thôn, buôn, giúp dân chăm sóc, thu hoạch mùa màng. “Sao vuông” xã Ea Phê đã vận động, thăm tặng 50 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, chiến sĩ dân quân, dự bị động viên có hoàn cảnh khó khăn.

Gần dân, lại thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng, nên nhiều năm qua, Ea Kênh luôn thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ quân sự. Sự đồng thuận từ “lòng dân” giúp địa phương luôn đạt 100% chỉ tiêu giao quân hằng năm.

Là lực lượng tại chỗ, các chiến sĩ “sao vuông” gần như bám sát cuộc sống người dân. Bởi vậy, hoạt động dân vận không chỉ được lực lượng thực hiện trong các đợt huấn luyện, mà còn diễn ra thường xuyên, liên tục. Các anh được nhân dân tin yêu bằng những việc làm, cử chỉ giản đơn, nhưng vô cùng nhân văn, ấm áp.

Anh Huỳnh Xuân Lợi, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) là một trong những “sao vuông” được nhiều người yêu mến vì luôn có những nghĩa cử cao đẹp – hiến máu cứu người.

Dân quân tự vệ giúp dân thu hoạch mùa màng.

Mới đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, anh Lợi nhận được tin bà Hà Thị Hòa, ở phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) bị sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu giảm, bệnh nhân cần gấp nhóm máu O để tách tiểu cầu. Cứu người như cứu hỏa, anh tạm gác mọi công việc, nhanh chóng có mặt ở Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột để thực hiện các thủ tục, tách tiểu cầu để kịp truyền cho bệnh nhân, giúp chị Hòa vượt qua cơn nguy kịch.

Bắt đầu hiến máu từ năm 2011 và đều đặn từ đó đến nay, anh đã có 19 lần hiến máu, hiến tiểu cầu. Ngoài các đợt tham gia hiến máu định kỳ, mỗi lần nhận được tin báo có bệnh nhân rơi vào nguy kịch do ung thư, tai nạn giao thông, sốt xuất huyết… anh chẳng đắn đo, mà nhanh chóng hỗ trợ để người bệnh vượt qua nguy cấp. Anh Lợi bày tỏ: “Mình ở huyện, mỗi lần lên các bệnh viện ở phố cũng mất vài chục cây số. Tuy nhiên, thấy người bệnh cần, bản thân có thể giúp thì mình luôn cố gắng. Vào bệnh viện nhiều, mình thấm thía sự quý giá của giọt máu nghĩa tình”.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.