Chính sách mới cho sĩ quan quân đội
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (gọi tắt là Luật) được Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên họp sáng 28/11 và chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/12/2024.
Nhiều điểm mới
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý nhất trong Luật là quy định về tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (tuổi nghỉ hưu) với sĩ quan. Tùy theo bậc quân hàm sẽ tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 đến 5 tuổi so với trước đây.
Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ cấp úy là 50 tuổi, tăng 4 năm so với quy định cũ; thiếu tá là 52 tuổi, tăng 4 năm so với quy định cũ; trung tá là 54 tuổi, tăng 3 năm so với quy định cũ; thượng tá là 56 tuổi, tăng 2 năm so với quy định cũ; đại tá là 58 tuổi, tăng 1 năm với nam, 3 năm với nữ so với quy định cũ và cấp tướng là 60 tuổi, trong đó nam giữ nguyên, còn nữ tăng thêm 5 năm so với quy định cũ.
Cán bộ, sĩ quan lực lượng vũ trang tỉnh tham gia duyệt đội ngũ. (Ảnh minh họa) |
Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ, không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Về việc xét thăng quân hàm trước thời hạn, Luật quy định cụ thể: sĩ quan được xét thăng quân hàm trước thời hạn trong trường hợp lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu hoặc được khen thưởng trong công tác; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ, chức danh mà sĩ quan đang đảm nhiệm từ hai bậc trở lên hoặc cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ chỉ huy, quản lý.
Đối với quy định về chăm sóc sức khỏe với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ: Luật trước đây quy định chế độ chăm sóc sức khỏe với sĩ quan được quân đội thanh toán viện phí. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định, chế độ thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Luật mới cũng bổ sung quy định con đẻ, con nuôi hợp pháp 18 tuổi trở lên của sĩ quan tại ngũ nếu còn đi học phổ thông và không có chế độ bảo hiểm y tế thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Nguồn động viên lớn cho sĩ quan quân đội
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng, một trong những nội dung được cán bộ, sĩ quan lực lượng vũ trang quan tâm nhất là sửa đổi quy định về độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan theo cấp bậc quân hàm.
Trên thực tế, nhiều năm qua, số lượng sĩ quan giữ chức vụ trợ lý thuộc các phòng, ban của Bộ Chỉ huy Biên phòng; sĩ quan làm nhiệm vụ tại các đồn, Tiểu đoàn – Huấn luyện Cơ động có quân hàm đại úy, thiếu tá rất nhiều. Hầu hết sĩ quan mang quân hàm đại úy, thiếu tá đều được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tốt, có phẩm chất chính trị, có “độ chín” trong giải quyết, thực hiện nhiệm vụ; trình độ, năng lực công tác tốt; sức khỏe tốt, nhưng phải nghỉ hưu vì quy định quân hàm, độ tuổi.
Việc sửa đổi theo hướng tăng tuổi phục vụ tại ngũ không chỉ giúp sĩ quan quân đội tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm công tác mà còn bảo đảm quyền lợi về mức lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động.
Đại tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định: Luật đã khắc phục được các vướng mắc, hạn chế, bất cập của luật cũ; đáp ứng được kỳ vọng, tạo nguồn động viên, khích lệ lớn cho đội ngũ sĩ quan trong quân đội tiếp tục nêu cao tinh thần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Luật cũng là hành lang pháp lý quan trọng để đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc