Multimedia Đọc Báo in

Rưng rưng ngày trở lại

08:17, 15/04/2025

Những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước náo nức hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi may mắn được gặp, trò chuyện với đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) thăm lại "chiến trường xưa" Đắk Lắk.

Đoàn có 28 thành viên đều trên 70 tuổi, song ai nấy đều rạng rỡ niềm vui, rưng rưng xúc động kể chuyện "thanh xuân", nhớ về những người đồng chí, đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Cựu chiến binh (CCB) Hoàng Trung Kịch, Trưởng đoàn cho biết: "Thành viên trong đoàn đến từ nhiều miền quê nhưng từng "kề vai sát cánh" ở chiến trường. Chúng tôi may mắn hơn hàng trăm đồng đội đã ngã xuống dưới làn bom đạn của kẻ thù. Sau 50 năm, nhiều người trong đoàn, giờ mới có dịp trở lại nơi này, thắp cho đồng đội nén hương". 

Cựu chiến binh Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) náo nức thăm lại chiến trường xưa ở Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk.

Ông Kịch (SN 1949) ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Tròn 20 tuổi, ông tình nguyện viết đơn nhập ngũ đánh Mỹ. Bước chân binh nghiệp của ông in dấu khắp các chiến trường. Năm 1974, ông được biên chế vào Trung đoàn 24 lên chiến trường Tây Nguyên với nhiệm vụ tiếp nhận, băng bó vết thương, chăm sóc thương binh. Ông bồi hồi nhớ lại: "Những ngày tháng ở chiến trường Tây Nguyên là một chặng đường đầy gian khó và nguy hiểm, ngày nào cũng đối mặt với bom đạn, nghe tiếng gầm rú của máy bay địch. Cái chết trở thành điều quá đỗi quen thuộc, nhiều thời điểm, tôi vừa băng bó cho một thương binh buổi sáng, đến chiều đã thấy tên anh ấy trong danh sách hy sinh".

Thăm lại chiến trường xưa, CCB Ngô Duy Chuyên (SN 1949, trú quận 4, TP. Hồ Chí Minh) cũng không giấu nổi xúc động khi kể về những gian khổ, hy sinh mà ông và đồng đội đã trải qua. Ông Chuyên là con út trong gia đình có 2 chị em ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình); nhập ngũ năm 19 tuổi. Tháng 11/1971, ông được biên chế vào Đại đội Thông tin thuộc Trung đoàn 24 tham gia chiến trường Tây Nguyên. Từ năm 1972 - 1975, ông tham gia hàng trăm trận chiến đấu ác liệt như: Chiến dịch Xuân Hè 1972, Chiến dịch Đắk Tô năm 1972, Chiến dịch Tây Nguyên Xuân 1975…, nhưng trận chiến ở Buôn Ma Thuột khó quên nhất, bởi ông là một trong những người trực tiếp bắt sống Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ.

 
"Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đã lùi xa 50 năm. Những nhân chứng lịch sử kể lại ký ức hào hùng của dân tộc góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...".
 
Thượng tá Cao Xuân Đức, Chính ủy Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk trân trọng

Trong Chiến dịch Buôn Ma Thuột, đơn vị của ông Chuyên được giao nhiệm vụ đánh vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 của nguỵ, khu truyền tin, kho Mai Hắc Đế… Trước khi bước vào chiến dịch, đơn vị nghiên cứu kỹ tọa độ, sơ đồ tác chiến, xác định rõ mục tiêu và các hướng hành quân nhằm chia cắt đội hình phòng ngự của địch. 11 giờ ngày 11/3/1975 có 3 chiến sĩ của đơn vị ông đã cắm lá cờ Quyết thắng lên Trung tâm chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. "Đây là trận then chốt quyết định, mở đầu chiến dịch thắng lợi sau 32 giờ tiến công mãnh liệt, quân ta bắt sống toàn bộ Bộ Chỉ huy của địch, tôi trực tiếp bắt Đại tá Nguyễn Trọng Luật. Tất cả đều vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, nhưng đại đội của tôi có 87 người tham gia, khi thắng trận chỉ còn 35 người sống sót...", ông Chuyên rơm rớm nước mắt kể. 

Cựu chiến binhTrung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) thăm Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk.

Cũng vào sinh ra tử ở chiến trường Tây Nguyên, ông Nguyễn Như Hùng (SN 1956, đồng hương của CCB Hoàng Trung Kịch) 17 tuổi đã xung phong nhập ngũ. Huấn luyện xong, ông hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội súng cối 80 mm thuộc Trung đoàn 24. Trong những năm tháng ở chiến trường Tây Nguyên, đơn vị của ông phối hợp với các lực lượng địa phương đánh phá nhiều đồn địch và phá nhiều cầu, cống gây cho địch nhiều tổn thất. "Chúng tôi không ai nghĩ đến cái chết, chỉ nghĩ có cách nào để tiêu diệt thật nhiều quân địch. 50 năm đã trôi qua, nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại nơi đất Mẹ. Chúng tôi là những người may mắn được chứng kiến đất nước trọn niềm vui và đất nước đang chuyển mình. Chúng tôi biết ơn đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã chở che, đùm bọc trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh".

Trên hành trình thăm lại chiến trường xưa, các CCB đã đến thăm Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đóng quân ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) - nơi họ từng giằng co với địch từng tấc đất. Chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất từng là chiến trường khốc liệt, những người lính Cụ Hồ rất xúc động xen lẫn niềm vui, tự hào vì đã góp một phần tuổi trẻ của mình cho đất nước tự do, độc lập như hôm nay.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc