Trưng bày chuyên đề "Lịch sử Cồng chiêng Tây Nguyên và Lịch sử Đồn điền Cà phê CADA"
Nằm trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, từ ngày 1 đến 30-3-2017, tại Bảo tàng tỉnh và khu Biệt điện Bảo Đại (số 2-Nguyễn Du) trưng bày chuyên đề “Lịch sử Cồng chiêng Tây Nguyên và lịch sử Đồn điền Cà phê CADA”.
Chuyên đề “Lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên” đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, với hơn 200 hình ảnh, hiện vật nhằm giới thiệu đến du khách truyền thống diễn tấu cồng chiêng từ xưa đến nay cũng như vai trò quan trọng của cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Dàn chiêng Aráp của người Jarai được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. |
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc như: Bana, Xê đăng, M'nông, Cơ ho, Rơ măm, Êđê, Jarai...
Theo truyền thống, Cồng chiêng có mặt trong tất cả các lễ hội buôn làng và những ngày lễ lớn của đời sống.
Ngày 25-11-2005, Tổ chức Văn hóa-Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là "Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại".
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại khu trưng bày "Lịch sử Cồng chiêng Tây Nguyên". |
Ngày nay, truyền thống nghi lễ này vẫn tiếp tục sống động trong nhiều cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Nhà nước và chính quyền các cấp đang thực hiện chính sách nhằm bảo tồn nghệ thuật Cồng chiêng đang có nguy cơ mai một trước sự phát triển của các dạng sân khấu hiện đại.
*Với chuyên đề “Lịch sử Đồn điền Cà phê CADA”, Ban tổ chức trưng bày theo 2 dòng chủ đề: Đồn điền CADA - Dấu ấn một thời và Đồn điền CADA - Chặng đường phát triển. Thông qua hơn 190 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, phim video, cuộc trưng bày đem đến cho khách tham quan cái nhìn đa chiều và sự hiểu biết sâu về bước thăng trầm của Đồn điền CADA qua các thời kỳ, đời sống người công nhân bản xứ thời Pháp thuộc cũng như quá trình xuất hiện, phát triển cây cà phê ở Đắk Lắk.
Một số hiện vật về lịch sử Đồn điền Cà phê CADA được trưng bày. |
Đồn điền Cà phê CADA không chỉ được biết đến là một trong những đồn điền đầu tiên tại Đắk Lắk mà còn bởi phong trào đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ, liên tục của công nhân nơi đây những năm 1927, 1932, 1935, 1940 buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ. CADA với đội ngũ công nhân của mình đã biến một đồn điền của thực dân Pháp trở thành cơ sở hoạt động cách mạng vững chắc và là nơi giành được chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk trong cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8-1945.
Mùa Xuân năm 1975, công nhân Đồn điền CADA cũng đã góp phần quan trọng cùng quân-dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử, thống nhất nước nhà.
Hiện nay, Đồn điền CADA được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc