Một cựu chiến binh miệt mài đi tìm đồng đội
Hơn 20 năm, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sương (SN 1951) ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột vẫn luôn miệt mài với công việc tìm kiếm những đồng đội đã hy sinh để quy tập về nghĩa trang liệt sỹ, hoặc đưa họ trở về với người thân.
Ông Nguyễn Ngọc Sương quê ở Hải Quang (huyện Hải Hậu, Nam Định) tham gia quân ngũ từ năm 19 tuổi, từng là lính Trung đoàn đặc công 400, sau đó đơn vị này sáp nhập với một số đơn vị khác thành Trung đoàn 25 Bộ binh cơ động thuộc Bộ Tư lệnh B3 (Quân khu V) đóng quân tại vùng hậu cứ H5. Từng tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ khắp vùng Tây Nguyên và ông đã chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống, nằm lại chiến trường.
Năm 1973, ông được phân công làm trợ lý chính sách, cán bộ của Trung đoàn 25 với nhiệm vụ chính là tổng hợp các tin báo từ chiến trường về số lượng binh sĩ bị tử trận, bị thương. Đối với những binh sĩ hy sinh, ông có nhiệm vụ ghi chép chi tiết tên tuổi, quê quán, cấp bậc, thời gian nhập ngũ, hy sinh ở đâu, tọa độ mai táng... Công việc này giúp ông nắm rõ thông tin về những đồng đội hy sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Sương lần giở cuốn sổ lưu giữ thông tin các liệt sỹ. |
Sau giải phóng một thời gian, Trung đoàn 25 giải thể. Ông Sương rời đơn vị, nhưng với mong ước quay lại chiến trường xưa tìm kiếm những đồng đội đã ngã xuống vì vậy ông đã sao chép lại tất cả giấy tờ liên quan đến liệt sỹ của đơn vị. Ông tâm niệm: “Mình trở về sau chiến tranh là một may mắn trong khi nhiều đồng đội phải nằm lại ở những vùng núi rừng xa xôi, nên phải cố gắng tìm kiếm đón đồng đội về...”.
Rời Trung đoàn 25, ông Sương đảm nhận một số công việc ở địa phương. Do bận rộn nên ông chưa có thời gian tìm kiếm hài cốt đồng đội hy sinh, nhưng thông tin về đồng đội vẫn được ông lưu giữ cẩn thận. Năm 1994, được nghỉ hưu theo chế độ, ông bắt đầu hành trình đi tìm đồng đội. Ông tìm về các địa phương nơi có đồng đội hy sinh để xem đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ chưa; quy tập rồi thì an táng ở đâu? mộ số bao nhiêu?... Dù lương hưu ít ỏi, ông vẫn dành dụm đi Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, một số huyện của tỉnh Đắk Lắk gặp gỡ các cơ quan chức năng địa phương để xin thông tin quy tập liệt sỹ. Ông tỉ mẩn ghi chép lại tên tuổi, nghĩa trang an táng những liệt sỹ của đơn vị đã được quy tập. Từ những thông tin này, ông hệ thống lại có 483 liệt sĩ của đơn vị với đầy đủ những thông tin cần thiết.
Năm 1997, ông đã tập hợp lại tất cả thông tin về các liệt sỹ sau đó gửi thư báo cho gia đình của các liệt sỹ. Ông đã nhận được nhiều cuộc gọi của người thân liệt sỹ hỏi thăm thông tin. Ngoài ra, ông còn cùng thân nhân các liệt sỹ đi đến nghĩa trang; với những liệt sỹ chưa được tìm thấy hài cốt, ông dựa vào tọa độ chôn cất mà mình lưu lại để cùng đi xuống thực địa tìm kiếm. Đến giờ, ông Sương cũng không nhớ mình đã tham gia bao nhiêu chuyến đi tìm đồng đội nữa, chỉ nhớ hễ có người thân của liệt sỹ nhờ hay nghe thông tin phát hiện hài cốt liệt sỹ ở những khu vực đơn vị từng chiến đấu thì không quản ngại nắng mưa ông cũng khăn gói lên đường. Nhiều lần băng rừng, vượt suối để tìm đồng đội thất bại nhưng ông Sương vẫn không nản chí. Ông nhớ như in trường hợp tìm kiếm hài cốt của Liệt sỹ Nguyễn Ngọc Lan ở xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) dù tọa độ đã xác định chính xác nhưng hiện trạng đã thay đổi quá nhiều, những cánh rừng ngày xưa nay đã trở thành rẫy cà phê, tiêu bạt ngàn nên tìm mãi vẫn không ra. Dù vậy ông và đội tìm kiếm vẫn không bỏ cuộc, sau hơn 1 tuần miệt mài, đến ngày 1-1-2011, hài cốt của liệt sỹ Lan được tìm thấy trong niềm vui mừng khôn tả của gia đình.
Lần giở cuốn sổ ghi danh sách liệt sỹ mà ông nâng niu, gìn giữ như báu vật lâu ngày giấy đã ngả sang màu vàng, ông Sương không giấu nỗi vẻ buồn khi vẫn còn 129 liệt sỹ của đơn vị chưa tìm được hài cốt. Nhưng chính điều này lại thôi thúc ông tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm đồng đội.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc